Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những quan tâm đặc biệt đối với Tuyên giáo, báo chí

Vĩnh Hà|21/07/2024 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước khi giữ những cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 29  năm gắn bó với nghề báo. Dù giữ nhiều cương vị, trọng trách của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, và đã có nhiều đóng góp trên lĩnh vực tuyên giáo và báo chí.

Gần ba mươi năm gắn bó với nghề báo  

Trước khi giữ những cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 29  năm gắn bó với nghề báo. Dù giữ nhiều cương vị, trọng trách của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ tác phong của một nhà báo, nhất là thường xuyên đi cơ sở, nắm chắc thực tế, lắng nghe ý kiến của người dân… Đồng chí cũng tự coi mình là “nhà báo”, thấu hiểu và sẻ chia sâu sắc với những người làm báo. Chính vì vậy, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí luôn quan tâm tạo thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp trước các sự kiện quan trọng của đất nước.

21-nb-npt1.png
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nhận bức trướng kỷ niệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Tạp chí tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Tạp chí lý luận của Đảng ra số đầu tiên và 40 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu kỳ (15/12/1930 - 15/12/1995)

Nói về nghề báo, đồng chí Nguyễn Phú Trọng từng kể rằng, ngay từ hồi học phổ thông, đồng chí đã yêu thích nghề báo. Lúc đó đồng chí chỉ nghĩ đơn giản là nghề báo "được bay nhảy", "được đi đây đi đó" nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, đồng chí càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp Khóa 8, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1967, rồi được phân công về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, với nhiệm vụ được giao là biên tập các bài báo làm công tác tư liệu.

Quá trình làm việc tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nghiên cứu cách viết báo, với sản phẩm đầu tay là bài "Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu" đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1968. Kể từ sau khi có tác phẩm đầu tay ấy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tích cực viết hàng loạt bài báo thể loại nghiên cứu và đăng tải ở nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau. Sau này, đồng chí được điều chuyển về công tác ở Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí rồi được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10/1983), Trưởng ban (tháng 9/1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3/1989), Phó Tổng biên tập (tháng 5/1990) rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (tháng 8/1991 đến năm 1996).

Từ tháng 8/1996, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chính thức rời Tạp chí Cộng sản để nhận những nhiệm vụ mới do Đảng và Nhân dân giao phó, từ đây mới kết thúc hành trình dài 29 năm gắn bó với nghề báo.

Dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt với báo chí.

Người định hướng báo chí sắc sảo

21-nb-npt2.png
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh của Đảng, Nhà nước tặng Thông tấn xã Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (15/9/1945- 15/9/2010)

Tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 9/8/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận; đồng thời là công cụ tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…”. Đây có thể coi là một chỉ đạo rất sâu sắc của người đứng đầu Đảng ta đối với công tác báo chí.

Dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt với báo chí.  Tổng Bí thư nhắc nhở anh chị em làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng.

Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân. Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hoá tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để Nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ Nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cấp Hội Nhà báo cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp hội viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện phong phú, hấp dẫn.

Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc: Phát triển phải đi đôi với quản lý và quản lý phải theo kịp sự phát triển, tạo mọi điều kiện để báo chí hoạt động có chất lượng và hiệu quả.

Dù giữ nhiều cương vị, trọng trách của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ tác phong của một nhà báo, nhất là thường xuyên đi cơ sở, nắm chắc thực tế, lắng nghe ý kiến của người dân… Đồng chí cũng tự coi mình là “nhà báo”, thấu hiểu và sẻ chia sâu sắc với những người làm báo. Chính vì vậy, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí luôn quan tâm tạo thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp trước các sự kiện quan trọng của đất nước.

21-nb-npt-3.png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020

Ngoài những chuyến thăm và làm việc với một số cơ quan báo chí chủ lực, đồng chí vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn cho nhiều báo, trực tiếp viết nhiều bài báo, trong đó có những bài rất quan trọng, mang ý nghĩa định hướng sâu sắc cho toàn xã hội. Bài viết gần đây nhất là “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2024), đã nêu bật quá trình Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khẳng định vai trò của Đảng trong lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đồng thời gợi mở việc phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước, hướng đến xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, đúc kết một số bài học quan trọng về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm cho mỗi đảng viên trong thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân theo đúng tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, trên dưới đồng lòng, “Dọc ngang thông suốt”.

Theo Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ (Báo Quân đội nhân dân): “Mặc dù công việc rất bận nhưng chúng tôi để ý thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường xuyên đọc báo, nghe đài. Anh chị em phóng viên chuyên trách thường xuyên được đồng chí góp ý về cách đưa tin, hình thức thể hiện. Trong những lần đi công tác ở nước ngoài, trước những vấn đề nhạy cảm, chúng tôi viết bài, làm tin thường xin ý kiến trực tiếp của đồng chí và tôi thường được anh em trong nhóm giao làm việc này. Với những lần làm việc như vậy dù trong giờ hành chính hay đến đêm khuya, tôi đều được đồng chí đọc, sửa từng chi tiết, câu chữ…".

Người cán bộ tuyên giáo bản lĩnh, nhà lý luận xuất sắc

Từ thực tiễn lãnh đạo, qua các công trình nghiên cứu sâu sắc về nhiều lĩnh vực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một người cán bộ tuyên giáo bản lĩnh, nhà lý luận xuất sắc. Bên cạnh thời gian khá dài công tác tại Tạp chí Cộng sản ở nhiều vai trò (1967 – 1996), đồng chí cũng đã trực tiếp lãnh đạo công tác tuyên giáo tại Thành ủy Hà Nội (1996 – 1998) và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1998 – 2000), đồng thời tham gia lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương (1998 – 2006).

21-nb-npt-4.png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh của Đảng, Nhà nước cho Tạp chí Cộng sản tại Lễ  kỷ niệm 85 năm Ngày ra số báo đầu và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai (Hà Nội ngày 14/8/2015)

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 7/2/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ phải xây dựng đội ngũ cán bộ, những người làm công tác tuyên giáo, không chỉ là những đồng chí trực tiếp làm ở ngành tuyên giáo mà nói rộng ra là cả những người làm công tác báo chí, văn học nghệ thuật, giáo dục, khoa học, là vấn đề rất quan trọng. Đội ngũ đó đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị, sự kiên định, vững vàng, trung thành tuyệt đối, có dũng khí đấu tranh và có trình độ chuyên môn giỏi. Tính chất và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác tuyên giáo, trong khi tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, đòi hỏi phải nói được, viết được, thuyết phục được. Điều quan trọng là về mặt phẩm chất tuyệt đối không để bị cám dỗ bởi tiền bạc hay vật chất, không để sa vào cạm bẫy của các thế lực xấu, thế lực thù địch. Những người đi giáo dục cũng phải được giáo dục, những người làm công tác tư tưởng cũng phải được bồi dưỡng về mặt tư tưởng…

Ngày 1/8/2018, tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục có những yêu cầu đối với cán bộ làm công tác tuyên giáo. Đó là “có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, trí tuệ, tâm huyết với công việc, có dũng khí đấu tranh, có trình độ chuyên môn và phải có phương thức hoạt động khoa học, phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan khác. Cán bộ tuyên giáo phải nói được, làm được, không bị cám dỗ, không bị mua chuộc bởi các thế lực thù địch, kẻ xấu…”.

Qua thực tiễn lãnh đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ tầm vóc của một nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta. Các phát biểu của đồng chí tại các kỳ đại hội Đảng, các hội nghị Trung ương, các hội nghị tổng kết ngành xây dựng Đảng, các hội nghị của Quốc hội, Chính phủ… luôn mang hàm lượng lý luận rất cao. Đặc biệt, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày rất cụ thể và thuyết phục, rút ra những bài học kinh nghiệm qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới…

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có nhiều tác phẩm quan trọng khác như “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam - toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"”, “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…

Một trong những bài phát biểu quan trọng được dư luận đánh giá cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu Ban Văn kiện Đại hội XIV, có ý nghĩa định hướng rất sâu sắc không chỉ cho quá trình chuẩn bị Đại hội lần thứ XIV của Đảng mà còn có giá trị lâu dài sau này. Trong bài phát biểu đó, đồng chí nhấn mạnh: “Coi trọng tổng kết thực tiễn và nắm chắc lý luận khoa học; kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách để phát hiện, tìm tòi những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đang xuất hiện có sức sống từ trong thực tiễn, từ những nhân tố mới của thực tiễn, những mâu thuẫn chín muồi trong thực tiễn. Chú ý làm rõ những chủ trương, chính sách nào đã được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp và cái gì cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển”.

Có thể thấy, các phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mang tầm lý luận và có giá trị định hướng sâu sắc. Điều đó càng khẳng định tầm vóc của đồng chí Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhà nước ta, trong đó có lĩnh vực báo chí và tuyên giáo, luôn là tấm gương cho các thế hệ nhà báo, phóng viên, người làm báo học tập và noi theo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những quan tâm đặc biệt đối với Tuyên giáo, báo chí