TP. HCM – Bài 1: Quận 9 cần đình chỉ bãi VLXD công ty Phúc Đức Đồng Nai hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường?

Hữu Nguyên – Mộc Miên|05/10/2019 04:53
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hết hạn giấy phép bến thủy nội địa, hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, nhưng đến nay bãi VLXD công ty Phúc Đức Đồng Nai Chi nhánh I không bị lực lượng chức năng quận 9 và phường Trường Thạnh đình chỉ hoạt động.

Nhiều năm sống chung với ô nhiễm

Phản ánh tới Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn người dân khu dân cư Long Thuận đường Long Thuận, khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều năm qua họ phải luôn sống chung với khói bụi, tiếng ồn của bãi VLXD ông Hai Phương gây nên, điều này đã ảnh hưởng tác động trực tiếp đến môi trường và cuộc sống sinh hoạt của nhân dân. Ngoài ra, mỗi khi các phương tiện vận chuyển cát qua lại đã khiến đường xá dân sinh xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.

Mặc dù, đã hết hạn giấy phép bến thủy nội địa nhưng các bến bãi tập kết VLXD tại phường Trường Thạnh, quận 9 vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, phản ánh của người dân là có cơ sở. Ngay từ đường Long Thuận rẽ vào các bãi VLXD có biển ghi “bãi cát Nguyên Thảo chuyên: cung cấp cát đất đá các loại, nhận san lấp mặt bằng; và công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Phúc Đức Đồng Nai” đi sâu vào phía trong là những bãi cát, đá chất cao như núi gần nhà dân, đường đi bụi bặm. Tại đây, các máy xúc múc đất, cát lên các xe chạy bụi mịt mù, khiến các hộ khu vực này nhiều năm qua đã phải chịu cảnh vật liệu bay vào nhà. Đi ra phía kênh là những sà lan đang được neo đậu để múc cát lên bờ. Chất thải nguy hại: thùng phuy dầu, giẻ lau dính dầu, đất dính dầu không được các chủ bãi cát lưu giữ che chắn theo quy định mà vứt lăn lóc ngoài môi trường. Hơn nữa các nhà mái lá đang được các chủ bãi cát dựng trái phép mà không bị chính quyền cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ. Ngoài ra, các bãi tập kết trung chuyển vật liệu đang lấn chiếm hành lang kênh, rạch tập kết sát mép sông, không có biện pháp xử lý môi trường.

Trước sự việc này, bà con nơi đây đã nhiều lần kiến nghị tới khu và chính quyền địa phương nhưng tình hình vẫn không được giải quyết. Hơn nữa, hiện nay các bãi VLXD đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, mặc dù, phường đã yêu cầu ký cam kết ngưng hoạt động nhưng đến nay các bãi vật liệu vẫn không chấp hành.

Các xe trọng tải lớn ra vào chở VLXD đi tiêu thụ rất nhộn nhịp, gây bụi bẩn ô nhiễm môi trường

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Quốc Bình người dân khu phố Tam Đa cho biết: “Các bãi cát này hoạt động suốt ngày đêm, đến 11, 12 giờ đêm vẫn hoạt động, khiến chúng tôi không ngủ được. Bao năm qua, mọi sinh hoạt của người dân chúng tôi từ ăn uống, ngủ nghỉ đến sinh hoạt hàng ngày đều gắn liền với cát và bụi. Thực tế là bãi tập kết VLXD đang hoạt động sát khu dân cư. Lúc cao điểm, những núi cát, đá có độ cao bằng một căn nhà 3 lầu, không hề được che chắn khiến gió thổi cát thẳng vào khu dân cư khiến chúng tôi tối tăm mặt mũi. Nhà cửa, quần áo, đồ ăn thức uống lúc nào cũng toàn cát và sạn. Đây là những bãi VLXD đang hoạt động không phép, cứ tháng họp một lần, người dân đã kiến nghị nhiều lần tới khu phố và phường nhưng không hiểu sao các hoạt động vẫn không hề bị dừng lại. Chúng tôi không hiểu có khúc mắc gì ở đây không. Mong muốn của người dân làm sao cấp trên quan tâm dẹp bãi VLXD này đi, chứ để đây hoạt động kêu to và bụi bẩn lắm?”.

Bãi tập kết VLXD chỉ cách nhà dân một bức tường nên mỗi khi có gió là thổi đất cát vào nhà dân

Chị Lê Thị Hà, người dân tại khu dân cư Long Thuận, đã từng sinh sống nhiều năm gần các bãi VLXD bức xúc: “Người dân chúng tôi không lúc nào được yên cả. Tiếng động cơ từ tàu bơm cát dưới sông, chạy rình rịch suốt đêm ngày. Cả khu vực như một đại công trường, lúc nào cũng mịt mù khói bụi. Đặc biệt, mỗi khi bơm cát tràn hết sang nhà dân, rất dơ bẩn, mưa thì sình lầy, nắng thì bụi. Ngày đêm người dân không dám mở cửa, bụi dữ lắm, một ngày phải lau 4,5 lần nhưng cũng không hết bụi, các xe tải ra vào ăn cát, đá suốt đêm bấm kèn inh ỏi khiến người dân không thể nào ngủ được, cứ gió lên là cát bụi tạt hết vào nhà dân. Trước sự việc này, bà con đã kiến nghị rất nhiều lần lên ông Trường – Tổ trưởng dân phố rồi nhưng không thấy anh ấy nói gì, sợ bị ảnh hưởng nên người dân chẳng biết kêu tới ai. Nhiều năm qua người dân khu dân cư Long Thạnh đã quá khổ vì các bãi VLXD này rồi, mong muốn của người dân lên chính quyền phường, quận 9 và thành phố nếu di dời được các bãi VLXD này đi nơi khác thì người dân rất hoan nghênh”.

Ngoài ra, theo người dân cho biết đã phản ánh rất nhiều lần lên phường nhưng các chủ bãi cát thể hiện hành động côn đồ, đặc biệt người dân tại đường Long Thuận kiến nghị về bụi bẩn, tiếng ồn sau đó các chủ bãi cát thuê côn đồ tới dằn mặt nên không ai dám nói. Mong báo chí vào cuộc giúp người dân nơi đây để di dời các bãi VLXD này đi nơi khác, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Những tác nhân gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc mà không bị các cơ quan chức năng quận 9 xử lý

Theo tìm hiểu của PV, trên khu phố Tam Đa có 03 bãi VLXD gồm ông Kính; Sáu Lu và bãi công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Phúc Đức Đồng Nai Chi nhánh I do ông Hai Phương làm chủ. Tất cả các bãi tập kết VLXD nói trên đều hết hạn giấy phép bến thủy nội địa. Qua quan sát hầu hết các bãi tập kết VLXD tại đây đều được trang bị máy móc hiện đại, các bãi này trước hoạt động quy mô nhỏ, khoảng 2 năm trở lại đây hoạt động quy mô lớn, mấy hồ nước hiện được các bãi VLXD san lấp gần hết để làm bến bãi. Điều đáng nói, hiện nay các bãi này đang hoạt động hoàn toàn trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền quận 9 và phường Trường Thạnh vẫn nhắm mắt “làm ngơ” cho các sai phạm của các bãi VLXD hoạt động, bất chấp pháp luật.

Hết hạn giấy phép nhưng vẫn hoạt động

Trao đổi với PV, ông Lê Nhật Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh, quận 9 cho biết: “Trên địa bàn phường hiện có bãi VLXD công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Phúc Đức Đồng Nai Chi nhánh I do ông Hai Phương làm chủ. Hiện bãi VLXD này đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa và công ty đang làm thủ tục gia hạn giấy phép. UBND phường đã yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết không hoạt động bến thủy nội địa cho đến khi được gia hạn. Tháng 9/2018 tổ liên ngành quận 9 đã kiểm tra doanh nghiệp và cũng có những ý kiến nhắc nhở.

Ông Lê Nhật Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh, quận 9 cho biết: “bãi VLXD này đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, theo quy định thì các bến bãi này phải dừng hoạt động”

Khi PV đặt câu hỏi, việc các bãi VLXD đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa nhưng tại sao đến nay không ngưng mà vẫn hoạt động? ông Trường cho biết sẽ cho kiểm tra lại, ngoài ra việc các bãi VLXD này hoạt động đã bao giờ bị xử phạt chưa, mục đích sử dụng đất là gì, có nằm trong quy hoạch về vật liệu xây dựng…? ông Trường cho rằng các hồ sơ này do đồng chí Tùng – Chủ tịch phụ trách lưu giữ, tôi sẽ báo cáo cụ thể với đồng chí Chủ tịch và sẽ trả lời cụ thể các câu hỏi và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo đề nghị của PV vào sáng thứ 6 ngày 11/10/ 2019 để tòa soạn đăng báo và thông tin tới bạn đọc.

Các tàu thuyền vẫn ngang nhiên cập bến để bốc dỡ VLXD lên bãi, trước sự bất lực của chính quyền địa phương và quận 9

Như vậy, có thể thấy những phản ánh của người dân về tình trạng các bãi tập kết VLXD tại khu phố Tam Đa hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, vi phạm Luật đất đai, lấn chiếm hành lang kênh, rạch là đúng.

Hơn bao giờ hết, người dân khu dân cư Long Thuận đường Long Thuận, khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9 khẩn thiết đề nghị lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND quận 9 sớm vào cuộc kiểm tra, xử lí những vi phạm đang tồn tại các bãi VLXD này. Để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm lãnh đạo quận 9 đến đâu?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Hữu Nguyên – Mộc Miên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM – Bài 1: Quận 9 cần đình chỉ bãi VLXD công ty Phúc Đức Đồng Nai hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường?