TP. HCM: Cần làm rõ những khuất tất vụ thi hành án ở huyện Củ Chi: Đất giá 10 tỷ đồng, bán 1,7 tỷ đồng

14/05/2019 06:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dù đương sự đã nộp đủ tiền nợ để giải chấp lô đất theo quy định của pháp luật, thế nhưng Thi hành án vẫn “làm phép” bán đấu giá lô đất với giá “bèo” (1,7 tỷ đồng, giá thị trường trên dưới 10 tỷ đồng), gây thiệt hại lớn cho người dân.

Đương sự đã hoàn thành nghĩa vụ

Nạn nhân trong vụ việc này là vợ chồng ông Nguyễn Như Tuyển và bà Trần Thị Ngọc Xuyến (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM). Sau nhiều lần lên huyện xuống thành phố kiện cáo, ông Tuyển đã tìm đến Báo Công an TPHCM cầu cứu.

Ông Tuyển cho biết, vợ ông đứng tên một thửa đất hơn 3.000m2 nằm ven đường Xuyên Á thuộc địa bàn xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Vợ ông dùng thửa đất này để bảo lãnh cho Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hân Vi (viết tắt là Công ty Hân Vi) vay 428 triệu đồng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (viết tắt là NH.XNKVN).

Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên Công ty Hân Vi đã không thể thanh toán khoản tiền đã vay cho NH.XNKVN và đơn vị này kiện ra tòa.

Ông Tuyển (trái) trao đổi với PV

Theo quyết định của Bản án số 733/2012/KDTM-ST ngày 30-5-2012 của TAND TPHCM và Quyết định THA số 193/ QĐ-CCTHA ngày 8-1-2014 của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Củ Chi, vợ chồng ông Tuyển phải trả nợ thay số tiền hơn 428 triệu đồng Công ty Hân Vi vay của NH.XNKVN.

Theo Quyết định THA số 04/QĐ-CCTHA ngày 2-10-2014 của Chi cục THADS huyện Củ Chi, phía ngân hàng đã chuyển toàn bộ giấy tờ thế chấp lô đất hơn 3.000m2 (bà Xuyến đứng tên, đây là phần đất nằm ven đường xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM. Vào thời điểm này, phần đất này đã được UBND huyện Củ Chi chấp thuận thay đổi mục đích sử dụng (đất nông nghiệp sang thổ cư) và được tách sổ nên giá đất thị trường lúc đó trên dưới 10 tỷ đồng) cho Chi cục để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.

Theo đó, sau khi trả hết nợ, bà Xuyến sẽ được nhận lại bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của thửa đất mà mình đã dùng để bảo lãnh. Ngày 15-1-2016, ông Tuyển đóng tiền cho ngân hàng 200 triệu đồng. Số tiền còn lại 250 triệu đồng, ông Tuyển đóng cho ngân hàng qua THA Củ Chi ngày 22-1-2016 để đơn vị này hoàn thành thủ tục giải chấp lô đất thế chấp.

Trao đổi với phóng viên vì sao ông Tuyển không đóng hết tiền cho ngân hàng mà phải thông qua THA, ông Tuyển cho biết: “Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước nói với tôi, đóng qua THA sẽ được giảm 70 triệu, tôi tin vậy nên mới đóng. Tuy nhiên, sự thật chẳng có chuyện giảm giá mà dường như có một mục đích khác. Sau khi nhận tiền, THA đã ôm tiền câu giờ rồi tìm cách bán đấu giá đất”.

Trò “ma” của chấp hành viên 

Ngày 3-2-2016, ngân hàng thông báo ông Tuyển hoàn thành nợ thì trước đó một ngày, THADS Củ Chi đã cho bán đấu giá lô đất thế chấp. Điều oái oăm hơn là lôđất này giá thị trường hơn 10 tỷ đồng, nhưng THADS Củ Chi bán với giá quá “bèo”… 1,7 tỷ đồng.

Ông Tuyển uất ức: “Ông Phước đã giấu thông tin bán đấu giá mà không cho vợ chồng tôi biết. Ngày 27-1-2016, ông ta còn nhắn tin cho tôi về việc chuyển tiền cho ngân hàng xong, nhưng ngày 29-1-2016, ông Phước phát hành văn bản 262 tạm giữ tài sản. Và khoảng 14 giờ ngày 2-2-2016, ông Phước đã cho bán đấu giá lô đất trên. Điều cực kỳ mâu thuẫn và phi lý là theo thông báo của THA ngày 28-1-2016 do chính ông Phước ký, nếu vợ chồng tôi nộp đủ tiền trước một ngày (ngày 2-2-2016) thì có quyền nhận lại tài sản.

Chúng tôi đã cố gắng thực hiện đúng nghĩa vụ, chủ động nộp tiền sớm từ ngày 22-1-2016 (trước thời điểm bán đấu giá tới 10 ngày). Thế nhưng, ông Phước và THADS Củ Chi đã đưa ra thông tin giả, nhắn tin lừa dối, rồi nộp tiền muộn về ngân hàng để bán đất. Theo tôi biết thì đến sáng 2-2-2016, phần tiền tôi đóng cho THADS Củ Chi mới về tới ngân hàng. Như vậy, THADS Củ Chi đã không làm thủ tục giải chấp tài sản thế chấp theo luật định, đến đầu giờ chiều cùng ngày thì THADS Củ Chi bán đất. Đến sáng 3-2, ngân hàng mới ký giải chấp thì mọi chuyện đã muộn”.

Khu đất của gia đình ông Tuyển bị bán giá bèo

Phóng viên đã liên hệ với THADS Củ Chi để trao đổi, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chi cục trưởng – từ chối tiếp: “Tôi không đủ tư cách phát ngôn, anh liên hệ với Cục THADS TPHCM”. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với Cục THADS TPHCM, ông Vũ Quốc Doanh – Cục trưởng – cho biết sẽ giao cho Cục phó Lê Hữu Hòa tiếp. Chúng tôi gọi điện cho ông Hòa đặt lịch làm việc, ông Hòa hẹn đến cơ quan. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến trụ sở, ông Hòa lại báo: “Tôi phải xin ý kiến lãnh đạo mới tiếp được, hẹn anh hôm khác”. Cấp dưới có những việc làm có dấu hiệu bất thường ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, cấp trên lại vòng vo. Dư luận có quyền đặt vấn đề có hay không sự bao che?

Sau khi gửi đơn khắp nơi cầu cứu, vợ chồng ông Tuyển đã đưa đơn tố cáo lên Công an TPHCM và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Hiện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng vào cuộc để làm rõ vụ việc.

Theo Báo CA Tp. HCM
Bài liên quan
  • Tp. Hồ Chí Minh: KCN Tân Phú Trung tràn lan doanh nghiệp “hủy hoại” môi trường, người lao động kêu cứu
    Moitruong.net.vn – Nhiều năm nay, người lao động của các doanh nghiệp tại đường N8, KCN Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh luôn phải sống và làm việc trong bầu không khí ô nhiễm. Nguyên nhân của mùi hôi thối được cho là do Công ty Giấy Tân Phú Trung và HTX sản xuất cao su Tấn Thành, xưởng sản xuất muối của Công ty Việt Tín, công ty nhuộm trong quá trình hoạt động xả thải ra môi trường. Nhiều người lao động và chủ doanh nghiệp không chịu được mùi hôi thối nên đã phản ánh tới Ban Quản lý KCN Tân Phú Trung đề nghị vào cuộc xử lý, nhưng tình hình không có biến chuyển gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. HCM: Cần làm rõ những khuất tất vụ thi hành án ở huyện Củ Chi: Đất giá 10 tỷ đồng, bán 1,7 tỷ đồng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.