Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) khởi xướng thực hiện trong thời gian thực hiện hơn 1 năm từ 11/8/2022 cho đến tháng 11/2023 với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu gồm Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI) nhằm thực hiện nhiệm vụ số 60 “Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics” theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Báo cáo LCI sẽ được duy trì thường kỳ nhằm cung cấp bức tranh logistics của tất cả các tỉnh, thành tại Việt Nam dựa trên 5 trụ cột chính gồm: Kinh tế, Dịch vụ logistics, Khung pháp lý và chính sách, Cơ sở hạ tầng và Nguồn nhân lực logistics.
Trong báo cáo lần đầu thực hiện cho năm 2022, 26 tỉnh và thành phố đã được lựa chọn dựa trên sự nổi bật về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khối lượng hàng hóa luân chuyển và số lượng doanh nghiệp logistics. Kết quả của báo cáo tập trung vào việc xác định điểm số LCI, thứ tự xếp hạng đối với các địa phương và các đề xuất định hướng cho các báo cáo LCI trong những năm tiếp theo.
Trong hơn một năm, các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với quy mô cỡ mẫu lớn (xấp xỉ 2000) và tiến hành phỏng vấn sâu với thời lượng hàng trăm giờ phỏng vấn và hàng chục cuộc họp báo cáo cập nhật tiến độ cũng như tham vấn định kỳ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu.
Với tinh thần khẩn trương và quyết tâm của đội ngũ nghiên cứu viên dưới sự chỉ đạo sâu sát và tích cực của Ban Chỉ đạo và sự đóng góp ý kiến chuyên sâu từ Ban Cố vấn, cũng như nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn của Ban Nghiên cứu LCI chẳng hạn như tiếp cận thực hiện khảo sát các doanh nghiệp tại các tỉnh ở khu vực xa để đảm bảo đủ cỡ mẫu khảo sát với mục tiêu đảm bảo độ tin cậy, mời các chuyên gia để đưa ra ý kiến góp ý…
Điểm đặc biệt mà VLA và nhóm nghiên cứu LCI đề xuất như một kết quả quan trọng rút ra từ quá trình nghiên cứu đó là khẳng định mô hình Hệ thống logistics cần thiết bao gồm 5 yếu tố là: Cơ sở hạ tầng, Nguồn nhân lực (yếu tố mới thay vì trước kia được thể hiện như là hạ tầng mềm trong hợp phần Cơ sở hạ tầng), Các nhà cung cấp dịch vụ logistics, Các nhà sử dụng dịch vụ logistics và Khung thể chế - chính sách thay vì sử dụng mô hình trước đây chỉ có 4 yếu tố.
Kết quả thứ hạng cuối cùng, TP Hồ Chí Minh đứng đầu bảng xếp hạng, sau đó là TP Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội là hai địa phương cùng xếp hạng thứ tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, xuất nhập khẩu giảm sút, lượng hàng về TP.HCM cũng giảm nhiều. Song khảo sát cho thấy chưa địa phương nào thay thế vị trí quan trọng đầu tàu kinh tế của TP.HCM. Tuy vậy, với sự "trỗi dậy" một số địa phương lân cận, bảng xếp hạng này sẽ luôn chứng kiến sự cạnh tranh về vị thế nên các địa phương dẫn đầu không thể lơ là được.