Theo quan sát ở những con đường lớn của thành phố đã đếm không xuể những bãi rác lớn, nhỏ xuất hiện 2 bên vỉa hè, đặc biệt có một số bãi rác chất thành đống lâu ngày, tràn từ vỉa hè xuống lòng đường.
Rác thải chất đống tràn từ vỉa hè xuống làn đường ở đường Hùng Vương (phường 2, quận 10, TP.HCM).
Ví dụ, đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc nhiều đống rác thải được tập kết trên đường, mặc dù công nhân vệ sinh môi trường làm việc liên tục.
Nhiều tuyến đường khác như Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Trường Chinh (quận Tân Bình), đường Dương Thị Đặng (quận 12) cũng có những bao rác thải được tấp dọc tuyến đường, có nhiều nơi trên đường rác thải công trình, rác thải sinh hoạt chất thành đống.
Người dân luôn phải bịt kín mũi hoặc nín thở vì mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ những đống rác tràn ngập từ vỉa hè xuống tận lòng đường. Đủ các loại rác như túi nylon, nệm, thậm chí cả bàn ghế, ngổn ngang dưới lòng đường. Một số trạm xe buýt cũng ngập rác và bốc mùi hôi thối khiến người dân không dám tới gần.
Rác thải vứt ngỗn ngang trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp).
Trao đổi với PV về vấn đề rác thải xuất hiện trên địa bàn, đại diện UBND phường 2 (quận 10) cho biết, sắp tới đơn vị sẽ gắn camera theo dõi những người đổ rác ra tuyến đường này để xử lý. Đồng thời, UBND phường cũng sẽ thuê thêm người dọn vệ sinh nhằm đảm bảo tình trạng ô nhiễm không còn trên tuyến đường này.
Về việc giải quyết vấn đề rác thải, UBND TP.HCM vừa thực hiện chương trình cho các đơn vị đấu thầu trong hoạt động quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Trước đó, UBND TP.HCM yêu cầu UBND 24 quận/huyện thực hiện việc đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn để nhằm giảm thất thoát kinh phí, tăng khối lượng thu gom rác.
Để thực hiện việc này, UBND TP. HCM giao chủ tịch UBND quận, huyện tổ chức xây dựng đơn giá, xác định dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị, dự toán các chi phí giám sát, chi phí quản lý dịch vụ công ích đô thị.
Theo báo Dân sinh