TP Hồ Chí Minh: Đảo nhiệt độ sự tác động của biến đổi khí hậu

Tú Anh (T/h)|09/07/2019 05:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chiều 8/7, Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị (CRUS) tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Đô thị nóng và hiện tượng đảo nhiệt đô thị” tham dự gần 100 nhà khoa học.

Những năm gần đây thời tiết có những diễn biến bất thường và có xu thế ngày càng cực đoan hơn thể hiện qua những kỷ lục mới của số liệu quan trắc. Trên quy mô toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu thể hiện rõ ở xu thế gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất và sự biến mất dần các lớp phủ băng ở hai cực trái đất.

Năm 2019 được dự báo là năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi nhiệt độ bắt đầu được quan trắc vào năm 1880. Đối với các thành phố, cùng với biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa tăng nhanh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt trong những ngày hè oi ả.

Tại Hà Nội và TPHCM, trong thời gian gần đây đã có những ngày nắng nóng kỷ lục lên đến hơn 40 độ C và thậm chí gần 50 độ C. Nguyên nhân chính của hiện tượng này chính là do các tia năng lượng bị giữ lại trên bề mặt và các hoạt động của con người (công trình, giao thông…). Hiện tượng này đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc quy hoạch và phát triển đô thị.

Các chuyên gia tại buổi gặp gỡ

Với nghiên cứu về “Tác động của đô thị hóa đến hiện tượng đảo nhiệt tại TP HCM”, TS Dương Thị Thúy Nga, giảng viên Đại học Khoa học Tự Nhiên TP HCM thông qua phân tích ảnh viễn thám về các dạng thức tài nguyên (rừng, mặt nước, dân cư, thực vật, đất trống KCN, đất có mặt nước chuyên dụng, mây,…), đã đưa ra cảnh báo: Đang có xu hướng tài nguyên cây xanh bị giảm nhanh, trong khi mật độ dân cư ngày càng gia tăng.

Về hiện tượng đảo nhiệt đô thị tại TP HCM, TS Nga cho rằng nguyên nhân chủ yếu là các tác động về đô thị hóa khiến cho nhiệt độ bề mặt có diễn biến tăng cao (có hại). Nhưng, một lo ngại hơn là các biến đổi dẫn đến TP HCM đang hình thành các “hòn đảo nhiệt độ”, có nhiều thời điểm mức độ đảo nhiệt tăng hơn 50 độ C. “TP đang dựa quá nhiều vào phân tích từ các trạm quan trắc để lấy các thông tin về nhiệt độ. Mà nếu chỉ phụ thuộc vào các phân tích này thì chúng tôi cho rằng chưa nhìn được chi tiết, chính xác. Chẳng hạn, giữa huyện Cần Giờ và Q.1 đương nhiên sẽ có khác nhau, đó là hạn chế của các số liệu lấy trị số trung bình từ các trạm quan trắc nêu trên” – TS Nga phân tích.

Nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận với quan điểm này, đồng thời khuyến nghị chính quyền TP HCM đang xây dựng đô thị thông minh cần phải có các giải pháp chuyên ngành hơn nữa. Một nhóm nghiên cứu thuộc ĐHQG TP.HCM đưa ra khảo sát đánh giá tác động đến đảo nhiệt của thành phố trong 2 thời điểm ngày 27/3/2014 và ngày 26/3/2019 thì có thời điểm nhiệt độ được đẩy maximum lên 61 độ C. Nhóm này cảnh báo, TP HCM cần sớm có giải pháp để cân bằng.

Hiện tượng “đảo nhiệt độ” là không thể xem thường, nghiên cứu của Thạc sĩ Phạm Trần Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM) chỉ ra, xu hướng phát triển của TP HCM tiên quyết là phải theo hướng bền vững. Bởi vì, thành phố này đang xây dựng đề án về đô thị thông minh (Smartcity) với 4 trung tâm cốt lõi đang được triển khai. Các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường, kẹt xe được chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm.

TP Hồ Chí Minh hình thành các đảo nhiệt độ. Ảnh: Hồng Phúc

ThS Phạm Trần Hải từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM kiến nghị, trong quy hoạch phát triển đô thị của thành phố tới đây cần nghiên cứu quỹ đất dành cho mảng xanh đô thị. Chẳng hạn, cần tăng cường cây xanh đường phố để giảm nhiệt bề mặt của khu vực trung tâm đô thị.

Đối với các công trình xây dựng, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho việc tăng cường mái xanh (SGIS). Bài học kinh nghiệm ở Singapore là Chính phủ nước này đang hỗ trợ 50% chi phí đầu tư, tối đa là 75 đô la Sing/m2 và 750 đô la Sing/m2 (tường xanh) cho các công trình xây dựng xây trước tháng 4/2009; Hoặc ở Seoul (Hàn Quốc) đang thực hiện triết lý “Nước – Năng lượng – Thực phẩm” của mái nhà xanh trong quy hoạch đô thị. “Mô hình mái nhà xanh giúp giảm nước mưa chảy tràn; giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị và phát triển bền vững nông nghiệp đô thị” – ThS Hải cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, ở TP HCM đang làm quy hoạch về công viên cây xanh, với mục tiêu đạt đến hơn 837 ha cây xanh sử dụng công cộng (công viên, đường phố). Tuy nhiên, tỷ lệ đất công viên, vườn hoa của TP HCM hiện chỉ vào khoảng 0,69 m2/người. Do đó, trong khi quy hoạch đến 2025 sẽ đạt khoảng 7m2/người (tiêu chuẩn của Singapore đang là 30,3m2/người; của Seoul 41m2/người). Ngoài ra, tỷ lệ phủ xanh của TP HCM hiện ở mức 18%, trong khi Singapore đã đạt tỷ lệ 56% nên đây cũng là chỉ tiêu cần đưa vào chiến lược quy hoạch.

Chia sẻ về các giải pháp và xu hướng quy hoạch của TP HCM, ThS Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) cho rằng, các nỗ lực của TP là hướng đến một đô thị sạch, đẹp, văn minh, nghĩa tình. Trong đó, tiêu chí hỗ trợ cảnh báo người dân bằng các app hay công nghệ 4.0 là mục tiêu chung của Đề án đô thị thông minh. “Với tư cách là một cơ quan tham mưu cho UBND TP, chúng tôi khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để hiến kế cho TP HCM trong các vấn đề kinh tế – xã hội nói chung, và vấn đề tài nguyên môi trường nói riêng” – ThS Bùi Hồng Sơn nhấn mạnh.

Tú Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh: Đảo nhiệt độ sự tác động của biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.