TP Hồ Chí Minh: Điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp

Minh Hoa|07/04/2022 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thay đổi từ đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày (24 giờ) trở lên sang đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt hoặc giá dịch vụ thoát nước và ngược lại.

UBND TPHCM vừa có văn bản 1019/QĐ-UBND TP, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND của HĐND TP về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND của HĐND TP. Cùng với đó, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Về tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tập huấn các quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp cho các đối tượng nộp phí.

Ảnh minh họa.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động thường xuyên, sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường theo đúng quy định với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp cho từng đối tượng.

Đối với việc tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo cho Đơn vị cung cấp nước sạch mọi thay đổi từ đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày (24 giờ) trở lên sang đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt hoặc giá dịch vụ thoát nước và ngược lại. Bảo đảm mọi đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải chỉ phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp hoặc phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt hoặc giá dịch vụ thoát nước.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND của HĐND TP đối với cơ sở trên địa bàn quản lý có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ). Đồng thời, thực hiện thu phí đối với những cơ sở trên địa bàn quản lý có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) nhưng chưa thực hiện kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp phát sinh trước ngày 1/1/2022.

Giao Công an TP (Lực lượng Cảnh sát môi trường) tổng hợp số liệu thanh kiểm tra, điều tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của các cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày (24 giờ) trở lên, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, TP Thủ Đức trong vòng 90 ngày kể từ ngày thanh kiểm tra, điều tra. Qua đó, làm cơ sở thẩm định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

Đơn vị cung cấp nước sạch có trách nhiệm thực hiện thu hộ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của cơ sở có mức phí bằng giá dịch vụ thoát nước theo văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, TP Thủ Đức.

Minh Hoa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh: Điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.