Hiện nay, TP HCM đang tiến hành cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh theo quy định là 21 ngày và sẽ lấy mẫu xét nghiệm 5 lần vào các ngày: N1, N5, N10, N15, N20.
N1 được lấy ngay khi chuyển vào khu cách ly. Theo quy định của Bộ Y tế là lấy mẫu xét nghiệm 4 lần là: N1 N7 N14 N20. Như vậy TP đã tăng thêm 1 lần xét nghiệm so với quy định của Bộ Y tế để sớm phát hiện các trường hợp F1 dương tính và chuẩn bị thực hiện thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh xen kẽ giữa các lần làm xét nghiệm RT-PCR để phát hiện sớm hơn nữa.
F1 được tiếp nhận và quản lý tại khu cách ly tập trung Q. 7 TP.HCM. Ảnh: H.T
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), 55.8% trường hợp phát hiện dương tính lần 1, ngay sau khi được chuyển vào khu cách ly tập trung là những trường hợp đã lây nhiễm trước đó từ các F0. 33% có kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính là nhóm được lấy mẫu sau khi vào khu cách ly 5 ngày.
Nhóm này có khả năng rất cao nằm trong thời gian ủ bệnh và được phát hiện vào ngày thứ 5 sau khi được cách ly. 7.8% có kết quả xét nghiệm lần 3 sau khi vào khu cách ly 10 ngày. Nhóm này vẫn có khả năng cao là đã lây từ trước và đang trong thời gian ủ bệnh.
Thời gian ủ bệnh hiện nay của SARS-CoV-2 vẫn được ghi nhận là 14 ngày. Tuy nhiên thực tế vẫn ghi nhận một số trường hợp cách ly tuyệt đối tại khách sạn đã có kết quả dương tính vào ngày thứ 20 (N20). Các xét nghiệm dương tính vào vào lần N1, N5, N10 vẫn đang nằm trong thời gian ủ bệnh thông thường của vi rút.
Tuy nhiên, cụ thể tại khu cách ly tập trung ở Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn), việc bố trí phân luồng từ cổng vào, vị trí chốt chặn của lực lượng bảo vệ, vị trí các buồng đệm cho nhân viên y tế lại chưa hợp lý.
Đặc biệt, các phòng cách ly bố trí vị trí giường xếp chưa đảm bảo khoảng cách. Phòng vệ sinh sử dụng chung chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, có sự tiếp xúc giữa người cách ly ở các phòng khác nhau khi sử dụng chung nhà tắm, nhà vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Việc bố trí F0 ngay tại tầng trước khi chuyển viện không hợp lý, có nguy cơ lây nhiễm cao vì dùng chung nhà vệ sinh với người cách ly khác.
Về giải pháp hạn chế tối đa lây chéo trong khu cách ly, HCDC cho rằng chỉ tổ chức cách ly tập trung ở các địa điểm mà mỗi phòng cách ly phải có nhà vệ sinh riêng, mỗi phòng chỉ có tối đa 2 giường được xếp đảm bảo khoảng cách 2 mét và có màn che ngăn cách giữa 2 giường. Các đơn vị tổ chức khu cách ly tập trung không chọn trường học, xem xét lựa chọn cách ly tại khách sạn tại địa phương.
Hai người được xếp chung phòng theo nguyên tắc cùng đặc điểm dịch tễ. Phòng cách ly không có máy lạnh và được mở cửa cho thông thoáng. Công tác vệ sinh khử khuẩn các khu vực chung được tăng cường ít nhất 2 lần/ngày. Các khu cách ly bắt buộc phải có camera giám sát sự tuân thủ quy định của người cách ly. Thiết lập sóng Wifi phục vụ nhu cầu truy cập internet của người cách ly.
Truyền thông cho người cách ly nguy cơ lây nhiễm chéo, đeo khẩu trang thường xuyên, tự vệ sinh cá nhân và phòng cách ly, hạn chế tiếp xúc người trong phòng, không giao lưu với các phòng khác.
Khu cách ly cần trang bị nhiệt kế thủy ngân cho mỗi người được cách ly để họ tự thực hiện kiểm tra thân nhiệt định kỳ 2 lần/ngày và báo kết quả cho cán bộ y tế qua tin nhắn. Điều này giúp hạn chế việc tiếp xúc của nhân viên y tế cũng như giảm gánh nặng công việc. Trưởng khu cách ly quán triệt và có hình thức kỷ luật với công dân không tuân thủ nội quy trong khu cách ly.
Bên cạnh đó, khu cách ly này cần bổ sung phòng đệm tại các tòa nhà, bố trí dung dịch sát khuẩn, thùng chứa rác thải y tế lây nhiễm và ghế ngồi trong phòng đệm; bổ sung nội quy, tài liệu truyền thông phòng, chống Covid-19; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khu vực cách ly tập trung đảm bảo đúng quy định.
Minh Châu