(Moitruong.net.vn) – Mới đây UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương về nguyên nhân gây ô nhiễm kênh Ba Bò, Quận Thủ Đức chủ yếu do nước thải trong các khu công nghiệp chưa kết nối hoàn toàn vào hệ thống xử lí nước thải tập trung, xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước.
TP.Hồ Chí Minh ô nhiễm kênh Ba Bò là do doanh nghiệp xả thải
Tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) khóa IX (diễn ra đầu tháng 7/2017), các cử tri, đại biểu HĐND TP.HCM tiếp tục phản ánh ô nhiễm trên tuyến kênh Ba Bò, dù TP.HCM đã chi hàng trăm tỷ đồng thực hiện các dự án chỉnh trang, cải tạo nhằm xử lý ô nhiễm ở tuyến kênh này.
Sau đó, UBND Thành phố cùng các sở ngành kiểm tra, khảo sát hiện trạng và chất lượng nước kênh Ba Bò. Theo đánh giá của UBND TP.HCM, hiện trạng khu vực đã cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2008. Điều này cho thấy các nỗ lực đáng kể của tỉnh Bình Dương trong công tác bảo vệ môi trường tại khu vực kênh Ba Bò như: di dời, cải tạo, chỉnh trang đô thị xung quanh tuyến kênh; cải tạo, gia cố, xây dựng bờ kè dọc các tuyến kênh; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II và giám sát chất lượng nước thải thông qua hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục…
Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, chất lượng nước thải từ các KDC và các cơ sở xen cài trong khu vực dân cư (dẫn vào các tuyến thoát nước số 1, 2, 3 rồi đổ xuống kênh Ba Bò) tại một số thời điểm vẫn còn ô nhiễm hữu cơ và vi sinh.
Ngày 7/9, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, UBND TPHCM đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương bố trí lịch làm việc với UBND TPHCM để trao đổi, phối hợp và thống nhất các giải pháp giải quyết dứt điểm tình hình ô nhiễm trên tuyến kênh Ba Bò.
Bởi qua một kết quả khảo sát của cơ quan chức năng TP.HCM là chất lượng nước ngay sau họng xả của nhà máy xử lý nước thải tập trung (khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2) chênh lệch rất lớn so với nước tại vị trí cuối tuyến thoát nước thải này.
Cụ thể, nồng độ ô nhiễm có trong nước được lấy mẫu tại điểm cuối tuyến kênh thoát nước thải vừa nêu cao gấp 25,84 đến 43,07 lần (đối với chỉ tiêu TTS, tổng chất rắn lơ lửng) và cao gấp 9,48 – 11,76 lần (đối với chỉ tiêu COD, nhu cầu oxy hóa học), so với nồng độ ô nhiễm có trong nước được lấy mẫu tại vị trí sau họng xả thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Chất lượng nước tại vị trí cuối tuyến thoát nước, trước khi đổ vào kênh Ba Bò, có đến 8/18 thông số quan trắc vượt giới hạn cho phép nhiều lần.
Trong văn bản gửi tỉnh Bình Dương, UBND TP.HCM cho biết một số trường hợp nước thải công nghiệp trong các khu công nghiệp được xả thải trực tiếp vào tuyến thoát nước (dạng cống ngầm), rồi đổ ra kênh Ba Bò, làm gia tăng ô nhiễm.
Như vậy, các nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung được đầu tư để xử lý các chất ô nhiễm xem như không hiệu quả.
UBND TP.HCM đề nghị tỉnh Bình Dương cho các cơ quan chuyên môn của thành phố tham gia việc rà soát, phát hiện những hành vi đấu nối, xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào tuyến thoát nước.
Ngọc Linh (th)