TP Hồ Chí Minh: Tình trạng tiểu bậy vẫn tràn lan

13/05/2019 02:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dù đã tiến hành ghi hình và xử phạt hành vi tiểu bậy nơi công cộng thế nhưng trên thực tế các con đường trung tâm TPHCM, đặc biệt ở đoạn đường Phạm Ngũ Lão người tiểu bậy vẫn vô tư xả nơi công cộng.

Đã từ lâu, xung quanh khu vực trong phạm vi công viên 23 tháng 9(Quận 1, TP.HCM) có khá nhiều khu nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí cho người dân và du khách. Còn chưa kể tới một số nhà vệ sinh trong khu vực bến xe buýt, khu hầm ẩm thực – mua sắm nằm trong công viên cũng luôn mở cửa. Vậy mà tình trạng người tiểu tiện bừa bãi vẫn diễn ra, tạo nên hình ảnh rất khó coi, và làm cho môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Có rất nhiều tụ điểm quanh công viên là: gốc cây, thảm cỏ, bồn hoa, các chỗ khuất…, bị một số người vô ý thức và “mắc bệnh đái đường” biến thành nơi xả bậy. Tuy nhiên, có một khu vực được xem là ô nhiễm trầm trọng hơn tất cả, khi tình trạng tiểu bậy diễn ra tràn lan hết ngày này qua tháng khác, khiến ai đi qua đó cũng phải ngan ngán lắc đầu và… bịt mũi vì mùi khai nồng đến ngộp thở, mà tôi không thể không nhắc tới. Đó là đoạn phía trước cổng cũng như xung quanh tường rào phía ngoài của Trung tâm phát triển Quỹ đất, trực thuộc Sở Tài Nguyên Môi Trường thành phố, ở số 02 đường Phạm Ngũ Lão.

Khu vực trung tâm này rất nhiều du khách nước ngoài qua lại, vì vậy nhiều khi tôi cảm thấy xấu hổ với họ khi cứ một lúc lâu lâu lại xuất hiện một trường hợp, khi thì người xe ôm, lúc lại một anh chàng lái xe taxi, hay một người đàn ông đi đường nào đó, dừng xe gắn máy rồi tạt vào sát bờ tường rào để… tiểu bậy.

Nói chung là bất kể sáng tối, hay ban đêm, quanh khu vực nêu trên luôn có rất nhiều người tìm tới đây để tiểu bậy. Vì bị biến thành một khu vực vệ sinh công cộng … lộ thiên như vậy nên trong suốt quãng thời gian quá dài người dân khu vực bị tra tấn bởi mùi khai nồng nặc. Không những thế mùi xú uế cũng theo nắng gió lan tỏa vào không trung, khiến cho nhiều hôm ngồi tận phía bên kia đường Phạm Ngũ Lão, cách đó cả mấy chục mét cũng vẫn ngửi thấy mùi khó chịu.

Ảnh minh họa

Được biết, Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

Và từ ngày 15 tháng 8 năm 2018, TP.HCM cũng đã tiến hành ghi hình và xử phạt những người có hành vi “tè” bậy nơi công cộng, mà điển hình là Quận 1, nhưng số trường hợp bị xử phạt hầu như chẳng đáng là bao, chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi tình trạng tiểu bậy thì vẫn tràn lan, quá nhiều, diễn ra hàng ngày.

Đến giai đoạn sau đó thì hầu như chẳng mấy người tiểu bậy bị bắt để xử phạt, mà cũng hầu như chẳng thấy người đại diện của cơ quan chức năng đi giám sát bắt bớ cái vụ mấy người tiểu bậy nữa…

Cũng giống như quy định xử phạt với hành vi hút thuốc lá hay vứt xả rác bừa bãi nơi công cộng với chế tài không quyết liệt, không nghiêm. Và dường như chỉ làm theo chiến dịch lấy lệ, sau đó lại chìm vào quên lãng đã khiến cho nhiều người có ý thức thấp kém không cảm thấy sợ để họ phải thay đổi thói quen cũng như hành vi xấu của mình

Tại một số nước, việc tiểu tiện nơi công cộng sẽ bị xử ở mức rất cao lên đến cả nghìn USD, thậm chí vi phạm nhiều lần có thể kết án tù. Điển hình, ở Singapore, công dân sở tại cũng như các nước (trong đó có Việt Nam) khi đến đây đều không dám vi phạm và bắt buộc phải chấp hành tốt.

Thiết nghĩ, nếu chế tài ở ta nghiêm khắc, quyết liệt và duy trì thường xuyên như vậy thì tôi tin chắc rằng nhiều người sẽ không bao giờ dám tiểu bậy nơi công cộng, bởi họ sẽ rất sợ phải mất một số tiền lớn…

Buồn một nỗi là quy định ở ta thì đã có, đã rõ ràng nhưng việc thực thi lại lỏng lẻo, không quyết liệt, làm theo phong trào để rồi lại… thất thủ, chìm vào quên lãng, khiến cho tình trạng tiểu bậy tràn lan ở mọi nơi mọi chỗ làm mất mỹ quan, làm ô nhiễm môi trường.

Thạch Bích Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh: Tình trạng tiểu bậy vẫn tràn lan
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.