TP Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ để ngăn nạn xả rác

Minh Lâm|24/08/2023 08:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã sử dụng phần mềm ứng dụng để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh trên địa bàn. Sử dụng flycam để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại khu vực dự án có diện tích đất trống lớn.

Nhiều giải pháp về truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy TP.HCM về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” giai đoạn 2023 – 2025, diễn ra chiều ngày 23/8, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố tổ chức.

Ngoài góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị xanh, phát triển bền vững, mục tiêu hướng tới là tiếp tục có thêm những cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả, thiết thực chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 2025.

rac-thai-1.jpg
Quang cảnh hội nghị

Các mô hình, giải pháp được đề xuất theo hướng ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong thu gom, quản lý, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa; sử dụng công nghệ sinh học để tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, cũng như áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đại biểu cũng chia sẻ những ý tưởng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn; về quy hoạch đô thị; cách thức tuyên truyền phù hợp từng đối tượng cụ thể… Trong đó chú trọng phát huy vai trò tự quản của người dân, nhân rộng các mô hình tham gia bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng dân cư.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết trong những năm qua, TP Thủ Đức đã có nhiều giải pháp cải tạo môi trường, hoàn thiện đổi mới cơ sở hạ tầng, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư, công viên, khu vui chơi, giải trí công cộng, cũng như công tác trồng thêm cây xanh đã góp phần xây dựng cảnh quan để TP Thủ Đức ngày càng xanh, sạch, đẹp. Nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, TP Thủ Đức đã sử dụng các thiết bị công nghệ giám sát, cập nhật những điểm phát sinh rác thải để xử lý.

“TP Thủ Đức đã triển khai kế hoạch làm việc, kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư về việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường tại các dự án trên địa bàn. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức sử dụng phần mềm GIS để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh trên địa bàn. Sử dụng flycam để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại khu vực dự án có diện tích đất trống lớn”, ông Phùng thông tin.

tp-thu-duc.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: VGP

Theo ông Phùng, mặc dù Chính phủ đã có quy định chế tài trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường còn hạn chế. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra, giám sát, xử phạt còn thiếu. “Cần tăng thêm lực lượng có chức năng kiểm tra, giám sát và lập biên bản xử phạt đối với hành vi xả rác không đúng nơi quy định”, ông Phùng đề xuất.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, cùng với kết quả giám sát Chỉ thị số 19 ở các địa phương, đơn vị, trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về phương hướng, các giải pháp triển khai thực hiện Cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền đến cộng đồng về ý thức giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng; vận động tất cả người dân, hộ gia đình, tiểu thương tại các chợ dân sinh, chủ nguồn thải giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

tp-hcm.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Đồng thời tăng cường truyền thông, giáo dục trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hành động thiết thực; duy trì việc triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý triệt để ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch.

Bên cạnh đó là đề xuất các chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với chương trình, dự án, đơn vị thực hiện hưởng ứng cuộc vận động; phát hiện, biểu dương và nhân rộng việc áp dụng các mô hình, sáng kiến, cách làm hiệu quả trong việc triển khai Cuộc vận động...

Từ năm 2021 đến nay, TP.HCM ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải và đã tiến hành giải tỏa 505 điểm, đạt tỷ lệ 98%; trong đó chuyển hóa được 198 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng, như công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao.

Từ khi triển khai cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đến nay thành phố có hơn 7.500 phương tiện thu gom rác thải, trong đó gần 4.200 phương tiện đạt chuẩn theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ để ngăn nạn xả rác