TP. Hội An: Quy hoạch ‘đèn lồng’ trên sông Hoài – Giữ gìn môi trường phố cổ

Chiến Thắng|21/02/2022 11:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vừa qua, UBND TP. Hội An đã yêu cầu gỡ bỏ đèn lồng, chong chóng trên những thuyền chở khách trên khu vực sông Hoài. Mỗi thuyền chở khách chỉ được giữ lại tối đa hai đèn lồng, treo ở vị trí trước và sau thuyền.

Thông tin về vấn đề này, đồng chí Võ Phùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc tháo bỏ đèn lồng, chong chóng lần này là cần thiết vì quá nhiều màu sắc ảnh hưởng đến cảnh quan phố cổ. Cùng với màu tường vàng của những căn nhà cổ, mái ngói rêu phong xen lẫn những chiếc đèn lồng đã tạo những điểm nhấn mang lại sự đặc trưng cho phố cổ Hội An này. Việc trang trí thuyền chở khách bằng đèn lồng, chong chóng bằng nhiều màu sắc, chủng loại đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Cụ thể vào năm 2018, khi những hình ảnh này mới manh nha xuất hiện, lúc đó tôi đang làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hội An đã kịch liệt phản đối và đề xuất UBND thành phố Hội An phải hành động để tránh pha tạp quá nhiều màu sắc nhằm giữ cho Hội An có được nét đơn sơ, mộc mạc ở phố cổ…

Những dãy đèn lồng, chong chóng được lắp phủ kín hai bên thuyền

Trước đây, Phố cổ Hội An cũng từng có một thời gian phải đau đầu trước tình trạng ‘loạn đèn lồng’. Thời điểm dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở nước ta, vì những chính sách phòng chống dịch đã khiến cho hiện tượng này có giảm. Nhưng từ khi mở cửa du lịch trở lại vào thời điểm cuối năm 2021, tình trạng này lại xuất hiện một cách rầm rộ hơn.

Đối với nhiều du khách lần đầu tới du lịch, khung cảnh Phố Hội trong suy nghĩ của họ trước khi tới đây là khung cảnh của một nơi cổ kính, trầm mặc. Nhưng khi đến đây, họ lại có nhưng suy nghĩ khác khi khắp nơi đi tới đâu cũng thấy đèn lồng, chóng chóng mà nhiều người đã dùng động từ ‘loạn’ để miêu tả cho hình ảnh đó.

Không cần những chiếc đèn lồng, chong chóng thì phố cổ Hội An vẫn đủ sức chinh phục những du khách

Là một du khách lần đầu tới phố cố, chị Lan (20 tuổi, Quảng Bình) chia sẻ: “Mình đã đi nhiều địa điểm du lịch ở nhiều nơi, cũng đi tới nhiều nơi có kiến trúc cổ kính và nhận thấy ở những nơi này người ta thường có sự nhầm lẫn về cái gọi là cổ. Người ta cứ nghĩ cổ thì phải trang hoàng đèn lồng, chong chóng với nhiều màu sắc mới gọi là cổ nhưng họ đã lầm lẫn khi chất cổ của những nơi đó có thể bị phai nhạt bởi những vật liệu đó. Chất cổ thực ra phải nằm trong chính nội tại của nó, từ những bức tường, mái ngói, cây đa đã đủ để khiến những nơi đó có đủ tài nguyên phát triển du lịch”.

Phố cổ Hội An từ trước tới nay luôn được xem là một trong những địa điểm lý tưởng của những người đam mê du lịch. Khi tới đây những vị du khách đều mong muốn chiêm ngưỡng những nét đơn sơ, cổ kính từ những tòa nhà cổ, những cây cổ thụ lâu năm và hơn cả là hòa vào một thời đại lịch sử đã trôi qua.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An – Nguyễn Minh Lý tặng quà cám ơn Phó Tổng lãnh sự Anh Sam Wood đã quan tâm tới phát triển du lịch xanh thành phố Hội An

Nhiều người có tư tưởng hiện đại luôn tìm tới những hướng thay đổi mới với mục tiêu phát triển du lịch đi đôi với phát triển kinh tế đã làm cho quá trình thay đổi nơi đây dần bị tha hóa. Những chiếc đèn lồng, chong chóng trong suy nghĩ của những chủ thuyền nơi đây như chiếc phao cứu sinh, họ nghĩ đó là cách để đổi mới du lịch và thu hút du lịch tới đây nhiều nhưng họ lại không nghĩ tới những hệ lụy từ vấn đề này.

Khi đèn lồng quá nhiều gây sự trùng lặp văn hóa khi nhiều nơi được mệnh danh là “con đường cổ, ngôi nhà cổ,…” cũng sử dụng những chiếc đèn lồng để tô sắc màu cho những mảng màu xám tối được tạo ra sau cả một quá trình của những nơi này.

Hình ảnh những chiếc xe điện thân thiện với môi trường tràn ngập trên những con đường trong phố cổ Hội An

Còn với phố cổ Hội An, nơi đây đã có đủ những tiềm năng từ chính bản thân nó để có thể thu hút khách du lịch mà không cần tạo ra quá nhiều màu sắc mới để làm nó ‘mới’. Vì việc đó sẽ khiến một tòa ‘lầu cao’ trở nên bình thường hơn trong mắt những vị khách du lịch.

Ngoài ra những chiếc chong chóng, đèn lồng có thể khiến cho môi trường nơi đây bị ảnh hưởng khi nguyên liệu để thắp sáng hàng vạn chiếc đèn lồng có thể là nến, là bóng đèn,… khiến lượng khí độc thải ra môi trường thêm phần nhiều hơn, đó cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Những chủ thuyền đã gỡ bỏ đèn lồng, chong chóng theo yêu cầu của thành phố sau ngày 19/2

Thành phố Hội An đang định hướng tập trung xây dựng xanh và phố cổ Hội An chính là nơi trực tiếp sẽ thí điểm mô hình đó, chia sẻ với PV Môi trường  & Cuộc sống – Moitruong.net.vn ngày 19/2, ông Nguyễn Minh Lý – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An chia sẻ: “Môi trường luôn là thứ được quan tâm hàng đầu của thành phố, vì vậy nên chúng tôi luôn hướng tới xây dựng phố cổ Hội An đi theo mô hình du lịch xanh, không khí thải. Đầu tiên là mô hình xe điện, xe đạp trên khu vực, nâng cao ý thức mỗi người dân Hội An trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, tập trung nghiên cứu thí điểm thành công những nghiên cứu xanh trong khoa học,…

Sau khi UBND thành phố Hội An yêu cầu những chủ thuyền dỡ bỏ đèn lồng, chong chóng đã nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Đa số đều đồng tình với chính sách này khi thành phố đã trả lại cho phố cổ hình ảnh đáng ra nó phải có.

Chiến Thắng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hội An: Quy hoạch ‘đèn lồng’ trên sông Hoài – Giữ gìn môi trường phố cổ