TPHCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sẽ về đích trong tháng 12

Châu Anh|24/08/2020 11:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chủ đầu tư đại dự án 10.000 tỉ đồng cho biết nếu huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng trong tháng 8 thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12, trễ hơn 2 tháng so với dự kiến.

Ngày 22-8, Công ty Trung Nam BT 1547 – thành viên Trungnam Group đã thực hiện lắp đặt cửa van thứ 2 cống ngăn triều Cây Khô, tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Đây là phần mục lớn của các cống ngăn triều với cửa van phẳng, kéo đứng, chữ nhân 2 lớp, khẩu độ 41.45 m, cao 8.5 m với trọng lượng 230 tấn, tổng trọng lượng lên tới 460 tấn.

Toàn dự án ngăn triều chống ngập được triển khai với quy mô 7 hạng mục gồm 6 cống ngăn triều lớn khẩu độ 40–160 m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và hạng mục 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m.

Toàn cảnh công trình cống ngăn triều cống Cây Khô, huyện Nhà Bè – Ảnh: T.N

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, chủ đầu tư dự án cho biết đến nay dự án đã đạt 87 – 88% tiến độ, công việc còn lại không lớn chủ yếu là xây kè xung quanh các cống ngăn triều. Theo dự kiến, dự án sẽ đi vào vận hành vào tháng 12-2020, tức chậm trễ hơn 2 tháng so với trước đây.

Nguyên nhân trễ hẹn lần này vẫn do vấn đề về mặt bằng. Theo chủ đầu tư, hiện nay tiền đền bù đã có, phương án đã lên chỉ còn vướng ở khâu thẩm định giá nên chưa thể đền bù cho người dân để lấy mặt bằng thi công.

Chính vì vậy dự án không thể hoàn thành vào tháng 10 như dự định. Ông Nguyễn Tâm Tiến, tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư dự án “‘Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1”), cho biết tiến độ dự án đã hoàn thành 88%.

“Sau khi hoàn thành cống thì phải có hệ thống kè đi kèm, nếu không nước sẽ xộc vào làm hiệu quả công trình không được như thiết kế. Do đó chủ đầu tư mong lãnh đạo TP sớm hỗ trợ giải quyết vấn đề mặt bằng để tiếp tục thi công.

Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ cam kết bảo hành các hạng mục công trình trong 5 năm và nếu được chọn làm đơn vị vận hành sẽ gắn bó mãi mãi với công trình, việc chống ngập của TP”, ông Tiến chia sẻ.

Khảo sát công trình, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư. Ông Hoan nhận định dự án đã trải qua nhiều khó khăn (vốn, mặt bằng, thi công) nhưng đã vượt qua.

Đây là dự án được người dân kỳ vọng nhưng trễ hẹn nhiều lần cũng khiến người dân băn khoăn, lo lắng. TP sẽ đôn đốc các sở ngành sớm hỗ trợ chủ đầu tư trong vấn đề đang vướng.

Cũng theo ông Hoan, sau khi hoàn thành dự án, TP sẽ còn nhiều việc để làm như phê duyệt phương án quản lý vận hành, đấu thầu đơn vị vận hành, kiểm tra kiểm toán quá trình đầu tư để làm cơ sở quyết toán, xây dựng danh mục các khu đất thanh toán cho chủ đầu tư theo hợp đồng BT.

Đặc biệt sau khi vận hành phải chuẩn bị các công tác ứng phó khi công trình có thể gây ảnh hưởng đến các vùng ven sông, rạch phía Nam TP.

Châu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TPHCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sẽ về đích trong tháng 12