Kiên Giang: Tăng cường triển khai thực hiện công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Trương Anh Sáng|07/08/2020 04:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ đầu năm đến nay, mưa lớn, lốc, sét đã làm sập 175 nhà, tốc mái 446 nhà, ngập nước 32 nhà, sét đánh chết 03 người, bị thương 03 người.

Trong những tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp bị ảnh hưởng do do dông lốc, cao hơn khá nhiều so với các năm trước; riêng từ ngày 01- 02/8/2020, do ảnh hưởng cơn bão số 2 đã làm sập 140 nhà, tốc mái 376 nhà, ngập nước 32 nhà, bị thương 01 người, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Theo nhận định của Đài Khí tượng – Thủy văn Kiên Giang số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể: có khả năng xuất hiện 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 05- 06 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020. 

Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1-2, trạm Châu Đốc mức báo động 1 là 3,0m, báo động 2 là 3,5m, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2-0,4m; thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9/2020; các trạm nội đồng Kiên Giang, đỉnh lũ xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10/2020 ở mức BĐ1-BĐ2.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn từ nay đến cuối năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai công tác bảo vệ sản xuất về cây trồng, vật nuôi, thú y; vận hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây; thực hiện tốt phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Chỉ đạo kiểm tra, chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống lũ cho sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2020, nhất là ở khu vực tập trung thoát lũ thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, những vùng đê bao xung yếu, chưa đảm bảo; đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các công trình thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Phối họp các địa phương trong vùng lũ đánh giá khả năng đảm bảo an toàn của các tuyến bờ bao; triển khai sớm việc tu bổ, gia cố bờ bao bảo đảm bảo vệ an toàn cho sản xuất, đề phòng lũ lớn và chủ động huy động nguồn lực để ứng phó kịp thời.

Đồng chí Lê Trung Hồ-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy (bìa trái); đồng chí Huỳnh Tấn Phi, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Vĩnh Thuận (bìa phải) trao tiền hỗ trợ cho gia đình có nhà sập

Phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh xử lý khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở đê biển nghiêm trọng tại khu vực vàm Tiểu Dừa (giáp Cà Mau), xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, để đề phòng các đợt triều cường dâng cao nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan, huyện Kiên Lương thực hiện việc sắp xếp bố trí, di dời 116 hộ dân sinh sống ở khu vực sạt lở đá núi Ba Hòn vào Dự án, theo Phương án do huyện lập khi được nguồn vốn Trung ương phân bổ; đồng thời, tăng cường thông tin, cảnh báo về tình trạng sạt lở để nhân dân, các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài khu vực bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị ảnh hưởng biết mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh.

Tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục; đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra. Hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình hồ chứa nước Dương Đông huyện Phú Quốc trong tháng 9/2020 và báo cáo cho UBND tỉnh theo quy định.

Sở xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra Phương án đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa, bão. Phối hợp các sở, ngành và địa phương kiểm tra các nhà, xưởng, công trình đang thi công đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão. Hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn xây dựng công trình để phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Giới thiệu các mẫu nhà an toàn với bão, cách chằng chống nhà ở đề phòng thiệt hại do lũ, mưa, bão, áp thấp nhiệt đới.

Sở Giao thông vận tải triển khai các Phương án đảm bảo an toàn giao thông thủy, khai thông dòng chảy trước mùa mưa lũ, kiểm soát an toàn giao thông ở các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc khi có sự cố thiên tai. Phối hợp với lực lượng Công an, các địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm, nhất là đối với các bến phà, đò ngang sông. Kiểm tra việc trang bị các phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn và bảo đảm tải trọng cho phép của các tàu, thuyền hoạt động; đặc biệt là hoạt động trên biển.

Bố trí lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn theo phương án chung của tỉnh. Dự phòng phương tiện vận tải thủy, bộ, lực lượng để kịp thời đáp ứng yêu câu di dời dân cư, cứu trợ khi có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp; kiểm tra sửa chữa cơ sở trường, lớp trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai cho học sinh. Phối hợp các cơ quan, đoàn thể triển khai các điểm giữ trẻ khi có lũ lốn.Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng mới, nâng cấp, kiên cố hóa trường, lớp vùng ngập lũ, vùng ven biển. Phối hợp chính guyền địa phương khảo sát, bố trí các cơ sở trường có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết hợp làm điểm trú, tránh bão, điểm sơ tán, di dời dân khi cần thiết.

Sở Công Thương, Điện lực Kiên Giang triển khai kế hoạch tổng kiểm tra đường dây, trạm biến thế, thiết bị và khắc phục, sửa chữa xong trước mùa mưa bão; thường xuyên kiểm tra phát hiện sự cố và khắc phục kịp thời. Tuyên truyền trong Nhân dân kiến thức an toàn về điện để chủ động phòng, tránh tai nạn điện có thể xảy ra trong mùa mưa bão.

Mái trường Tiểu học Trần Quốc Toản, ngụ ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn, Kiên Hải, bị giông lốc tốc mái 04 phòng học

Sở y tế rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả trong điều kiện hỗ trợ từ bên ngoài gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực cách ly do dịch bệnh và dự kiến nơi sơ tán do thiên tai.

Chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế,… đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19 cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, TKCN và phòng thủ dân sự các cấp trong trường hợp tập trung chỉ đạo, đi kiểm tra hiện trường và các lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.Thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai và diễn biến dịch Covid-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Y tế để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng, chống, ứng phó đảm bảo an toàn PCTT&TKCN và phòng, chống địch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương xây dựng Phương án tìm kiếm, cứu nạn và sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện thường trực để triển khai thực hiện công tác sơ tán, di dời và ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu; sẵn sàng hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của các ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả khi xảy ra thiên tai. Chỉ đạo thực hiện việc ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS tỉnhthường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các Phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra ở từng địa phương; đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai; các kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão sát với tình hình thực tế của từng địa phương.

Tiếp nhận các chỉ đạo của Trung ương; tổng họp các thông tin về khí tượng thủy văn, thiên tai, tai nạn để tham mưu, đề xuất cho ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh kịp thời chỉ đạo phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả.Theo dõi sát tình hình khí tượng thủy văn, cập nhật diễn biến thời tiết của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, khu vực, trong tỉnh để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh có biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai có thể xảy ra. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, chế độ báo cáo nhanh khi có tình huống xảy ra và báo cáo định kỳ theo quy định.

Tham mưu Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh xác minh, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai; tổng hợp, trình ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai; đôn đốc công tác thu, chi hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.Phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh; các huyện: Giang Thành, Tân Hiệp tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng cho nhân dân về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Ủy ban nhân dân; Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung các Phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn; các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai; kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão sát với tình hình thực tế của địa phương mình.Kiểm tra, gia cố đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ đối với các bờ bao, cụm, tuyến dân cư. Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất lúa vụ Hè Thu, Thu Đông, vườn cây, rau màu, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão; nhất là những vùng trũng, thấp thường bị ngập úng cục bộ. Các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Tây sông Hậu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp phòng, chống ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng trên địa bàn theo hưởng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 

Thường xuyên kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai vị trí xung yếu, bờ sông, bờ biển có khả năng sạt lở trên địa bàn quản lý để phát hiện, xử lý hoặc báo cáo ngay cho Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh để khắc phục kịp thời.Tuyên truyền, vận động Nhân dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây gần nhà, các tuyến đường có khả năng đổ ngã nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Vận động người dân chủ động kiểm tra an toàn các thiết bị điện sinh hoạt; kê kích hàng hóa, vật tư, giấy tờ, đồ đạc và tài sản ở những nơi cao ráo, nhằm bảo vệ an toàn khi có tình huống ngập úng cục bộ.Rà soát, lập danh sách các lực lượng huy động để có kế hoạch ứng phó thiên tai trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung, các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế,… để đảm bảo an toàn PCTT&TKCN và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tình hình thiên tai, đặc biệt chú ý về gió mạnh trên biển, sạt lở bờ sông, bờ biển, triều cường,… Thường xuyên tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình ảnh hưởng của thiên tai về Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo ứng phó kịp thời.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang: Tăng cường triển khai thực hiện công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.