Kinh tế môi trường

TPHCM xây dựng gần 80 chương trình, đề án hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất xanh

Thanh Thanh 07/12/2024 15:00

Nội dung này được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng chia sẻ tại Diễn đàn “TP.HCM – Gỡ vướng cho kinh tế xanh” được tổ chức chiều 6/12.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, TP.HCM là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia. TP.HCM đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển bền vững. Khung chiến lược phát triển xanh này gồm 4 nội dung: Phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.

Để thực hiện hóa mục tiêu này, chính quyền TP.HCM xác định xây dựng 3 trụ cột lớn. Đầu tiên là xây dựng khung pháp lý. Hiện Thành phố đang xây dựng khoảng gần 80 chương trình đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất xanh.

capture(3).png
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại diễn đàn

Song song đó thành phố xây dựng bộ tiêu chí đo lường được. Theo đó, trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, tất cả các hoạt động, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…., từng phân xưởng, nhà máy, gia đình, phải đo lường được phát thải để điều chỉnh.

Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng những mô hình mẫu, một địa phương xanh tại huyện Cần Giờ), xưởng sản xuất xanh, công trình, bệnh viện, trường học xanh.

“Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân thành phố một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững. Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với những định hướng được Đại hội XIII của Đảng đề ra, và cũng là mục tiêu phát triển của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Với kế hoạch này, TP.HCM đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh, và hệ sinh thái Cần Giờ xanh.

capture(4).png
TPHCM xây dựng gần 80 chương trình, đề án hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất xanh

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, kinh tế xanh trở thành một lĩnh vực sôi động thu hút sự hưởng ứng của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và đông đảo người dân. Quá trình này được đánh giá là gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện những khó khăn, thách thức, nhất là các vướng mắc liên quan đến các quy định, hành lang pháp lý cho các cơ chế, chính sách.

Diễn đàn đi sâu vào gỡ vướng và tìm giải pháp cho hai vấn đề quan trọng. Đó là, giải pháp cho ngành sản xuất, năng lượng tái tạo, quản lý rác thải đô thị, công nghiệp và gỡ vướng cho tài chính xanh - nguồn lực cho doanh nghiệp bền vững.

Bài liên quan
  • Phụ nữ tiên phong, chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
    "Phụ nữ là những người tiên phong, chủ động, sáng tạo mang đến những thay đổi tích cực cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế hướng tới việc tái sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tác động tiêu cực đến môi trường". Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương tại Diễn đàn "Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TPHCM xây dựng gần 80 chương trình, đề án hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất xanh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.