Vùng sản xuất nông nghiệp bền vững
Theo kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đầu tư hỗ trợ chuyển đổi sản xuất tập trung tại 3 vùng trồng lúa hiện hữu bấp bênh, kém hiệu quả kinh tế do bị tác động xấu biến đổi khí hậu về hạn, mặn. Cụ thể, vùng sản xuất tại 2 xã đảo Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành, có diện tích đất nông nghiệp khoảng 4.630 ha của hơn 5.900 hộ dân chuyên trồng lúa 1 vụ lúa chuyển sang 1 vụ lúa hữu cơ - 1 vụ tôm.
Vùng sản xuất tại các xã Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, có diện tích đất trồng lúa 1 vụ bấp bênh khoảng 1.000 ha của 1.800 hộ dân được chuyển sang 1 vụ lúa hữu cơ - 1 vụ tôm.
Vùng sản xuất xã Long Khánh, huyện Duyên Hải và xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải có diện tích đất nuôi tôm quảng canh và bán thâm canh khoảng 1.500 ha của hơn 1.000 hộ dân thường bị rủi ro thua lỗ được chuyển sang mô hình tôm - rừng để đảm bảo hiệu quả bền vững..
Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, các vùng sản xuất được ngành nông nghiệp bố trí thực hiện chuyển đổi sản xuất đều có điều kiện khó khăn về kết cấu hạ tầng thường bị khô hạn, xâm nhập mặn và triều cường hiện quả kinh tế đem lại thấp.
Tại các vùng được bố trí chuyển đổi sản xuất sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh đầu tư đảm bảo về thủy lợi phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân được nâng cao năng lực quản lý, trồng trọt, nuôi thủy sản với phương thức kỹ thuật tiên tiến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch với giá trị tăng cao từ 10 - 15% so với sản phẩm sản xuất bình thường.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, 3 năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh đã tự chuyển đổi đất trồng lúa 1 vụ bấp bênh và đất nuôi tôm bán thâm canh sang mô hình sản xuất rừng - tôm, rừng - tôm - cá khoảng 5.700 ha và mô hình lúa - tôm, lúa - cá với diện tích khoảng 5.600 ha sản xuất sạch. Thu nhập bình quân của mô hình sản xuất này đem cho nông dân từ 90 - 120 triệu đồng/ha/năm.
Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu
Trước tác động của biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh tập trung huy động nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện các chương trình trồng rừng ngập mặn cũng như triển khai các dự án đầu tư xây kè chống sạt lở.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, trong 10 năm trở lại đây tỉnh Trà Vinh đã ghi nhận nhiều biểu hiện về sự thay đổi của các yếu tố khí tượng thủy văn như: sự gia tăng nhiệt độ trong đó ghi nhận năm 2016 là năm có mức nhiệt độ cao hơn so với trung bình nhiều năm với mức nhiệt trung bình là 27,4 độ C và nhiệt độ cao nhất tuyệt đối là 37,7 độ C cao nhất từ năm 1980 đến nay; lượng mưa có xu thế giảm; mực nước cực đại tăng ở mức 0,96 cm – 1,0 cm/năm.
Biến đổi khí hậu còn tác động đến sự gia tăng các hiện tượng cực đoan điển hình như đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 và gần đây nhất là xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 -2020 là đợt xâm nhập mặn lịch sử của tỉnh Trà Vinh và khu vực ĐBSCL.
Thời gian qua, tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Địa phương này đã công bố tình trạng khẩn cấp khắc phục sạt lở nhiều đoạn đê bao. Trong đó, có các điểm xung yếu: Đoạn sông đang bị sạt lở nghiêm trọng thuộc ấp Đức Mỹ A và Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; đoạn đê bao ven kênh Bắc Trang, ấp Tân An, xã An Quảng Hữu; đoạn đê bao ven sông Hậu; đoạn đê bao khu dân cư ấp Vàm, xã Lưu Nghiệp Anh, cùng huyện Trà Cú...
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực sạt lở; mục tiêu hướng đến đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Đối với UBND các nơi có sạt lở, tăng cường tuyên truyền, cắm biển báo, cảnh báo, thông báo rộng rãi về tình hình sạt lở để người dân biết chủ động phòng, tránh; theo dõi sát diễn biến sạt lở, xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó. Cùng với đó, vận động người dân bàn giao mặt bằng để ngành chuyên môn triển khai các biện pháp khắc phục.
Vừa qua, UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt dự án Kè chống sạt lở khu vực thị trấn Cầu Kè (huyện Cầu Kè), với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 100 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 5 tỷ đồng. Dự án do Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè làm chủ đầu tư, được thực hiện từ năm 2022-2024.
Tổng chiều dài tuyến kè hơn 1,3km được chia thành hai đoạn, cao trình đỉnh kè +2,9m, chiều rộng đỉnh kè 1m; kết cấu kè dạng tường cọc bê tông cốt thép dự ứng lực SW500A dài 17m. Công trình gồm nhiều hạng mục như: cọc neo, tuyến kè, cầu thang, cống thoát nước ngang kè, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, đường giao thông, thảm rọ đá chống xói lở chân kè...
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hiện nay, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu rất phức tạp; bão, triều cường, nước biển dâng... ngày càng khó lường, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người dân ở những khu vực ven sông, ven biển.
Hàng năm, trước mùa mưa bão, Sở NN&PTNT đều phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các khu vực xung yếu, các công trình đê, kè, công trình thủy lợi... để có biện pháp xử lý kịp thời các vị trí hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân trong khu vực.
Cùng với các giải pháp củng cố an toàn các công trình phòng chống thiên tai, thời gian qua UBND tỉnh Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, địa phương huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách tỉnh, nguồn tài trợ, nguồn xã hội hóa... để trồng mới 2,1 triệu cây xanh trên tổng diện tích 1.472ha; trong đó, trồng 1,1 triệu cây xanh phân tán trên diện tích 1.100ha ở vùng đô thị, nông thôn và trồng 01 triệu cây rừng trên diện tích 372ha rừng tập trung.
Chương trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng và tăng độ che phủ của rừng, tăng cường sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Toàn tỉnh hiện có có tổng diện tích trồng rừng gần 9.500ha, với độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 4,04%; trong đó, rừng phòng hộ trên 5.400ha, rừng sản xuất gần 3.800ha, diện tích còn lại là rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Năm 2022, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch trồng 54 ha rừng, trong đó trồng mới 16 ha và trồng bổ sung 38 ha.
Trà Vinh có chiều dài bờ biển 65 km với hệ thực vật rất đa dạng và phong phú. Rừng ngập mặn ven biển của tỉnh Trà Vinh giúp chắn gió, ngăn bão chắn sóng, bảo vệ an toàn tính mạng và sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương. Thời gian qua, địa phương đã khởi động các dự án Phục hồi rừng ngập mặn, nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.