Trí tuệ nhân tạo – Chìa khóa tăng năng suất lao động trong kỷ nguyên số
Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành yếu tố then chốt thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu.
Chúng ta bước vào năm mới 2025 của kỷ nguyên số với các chỉ số và cân đối kinh tế - tài chính vĩ mô ngày càng được cải thiện, môi trường kinh doanh đáp ứng ngày càng cao hơn các chuẩn mực chung của thế giới.
Việt Nam lọt nhóm 15 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI, với lũy kế đến nay có hơn 40,8 nghìn dự án đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký gần 490 tỷ USD. Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09% (vượt mục tiêu 6 - 6,5%), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; Quy mô nền kinh tế gần 500 tỷ USD, đứng thứ tư Đông Nam Á và thứ 34 thế giới; Giá trị thương hiệu quốc gia đạt trên 500 tỷ USD, xếp thứ 32/193 toàn cầu; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 800 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bước vào bình minh của công nghiệp 5.0 tích hợp các công nghệ tiên tiến thúc đẩy vai trò của robot, với các máy móc hoạt động tự động… sẽ đem lại xu hướng cạnh tranh về năng suất lao động toàn cầu dựa trên công nghệ tiên tiến. Trong quá trình đó không có công nghệ tiên tiến nào quan trọng hơn chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt, là AI đã làm tăng trưởng năng suất bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ, tối ưu hóa quy trình và hỗ trợ ra quyết định, có thể giúp tất cả các lĩnh vực kinh tế phát triển nhảy vọt.
Năng suất lao động (NSLĐ) là nguồn lực quyết định đối với năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của nền kinh tế. Lịch sử khoán 10 ở nước ta cách đây gần 40 năm cho thấy sự thay đổi cơ chế trong nông nghiệp đã làm cho NSLĐ tăng cao và đưa Việt Nam từ một nước không đủ lương thực, đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay chỉ số NSLĐ vẫn đang là sự bất cập lớn nhất trong quản trị nền kinh tế. Theo thống kê trong khu vực ASEAN, NSLĐ của Việt Nam năm 2023 chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia và bằng 56,9% NSLĐ của Philippines; chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 1,6 lần). Đây là thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam trong quá trình vươn mình và phát triển…
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã chỉ rõ: “Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số phát triển, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo…”. Đặc biệt, Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA vừa ký thỏa thuận thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, kỳ vọng đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
Khi trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục thâm nhập vào quy trình làm việc trong mọi ngành và tác động tích cực của AI ngày càng rõ ràng, mọi cá nhân và tổ chức sẽ tìm cách khai thác khả năng của AI để có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai AI đòi hỏi phải có kế hoạch cẩn thận và phương pháp tiếp cận có cấu trúc để tránh những cạm bẫy phổ biến và đạt được kết quả bền vững. AI bao gồm rất nhiều thứ, từ chatbot hỗ trợ AI như ChatGPT đến robot đến phân tích dự đoán và AI luôn thay đổi. Không có giải pháp nào phù hợp với tất cả, nhưng chúng ta có thể xác định các phương pháp tiếp cận phù hợp. Theo các chuyên gia công nghệ số, để ngành công nghiệp AI phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có các giải pháp tích cực cả ở 2 cấp độ Chính phủ và doanh nghiệp:
Chính phủ
Xây dựng Hệ sinh thái AI tại các tỉnh, thành phố thông qua phát triển ngành công nghiệp CNTT và các công ty AI trong nước, thúc đẩy quan hệ đối tác với các công ty công nghệ hàng đầu quốc tế như OpenAI, Google, Meta, Nvidia, Deepseek… và đẩy nhanh việc áp dụng AI trong Chính phủ có thể quản trị các nguồn lực kinh tế hiệu quả, tránh lãng phí và tiêu cực. Trước mắt, triển khai tốt việc quản trị nguồn lực xã hội (bao gồm thể chế và môi trường quản lý vĩ mô…) nhằm tinh giản bộ máy, liên kết ngành AI với ngành bán dẫn và các ngành kinh tế trọng điểm
Phát triển các nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (băng thông rộng mạnh mẽ, khả năng lưu trữ dữ liệu và khả năng kỹ thuật số) và phát triển kỹ năng của nguồn nhân lực AI (từ kiến thức số cơ sở đến nghiên cứu AI tiên tiến và đảm bảo các kỹ năng mới được tích hợp vào chương trình giảng dạy của trường học và đào tạo chuyên môn).
Thúc đẩy văn hóa đổi mới AI nhằm khuyến khích các lực lượng xã hội đón nhận sự thay đổi, khám phá những ý tưởng mới và tham gia vào quá trình áp dụng AI. Việc tạo ra văn hóa này bắt đầu bằng sự lãnh đạo đề cao tính dân chủ, tự do và cởi mở trong tất cả các tầng lớp của chính quyền nhằm thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo. Lãnh đạo có thể hỗ trợ tư duy đổi mới bằng cách truyền đạt tầm nhìn rõ ràng về vai trò của AI.
Bằng cách áp dụng văn hóa đổi mới, chúng ta có thể xây dựng lực lượng lao động có chất lượng, thích ứng và sẵn sàng áp dụng AI trong tương lai.
Phát triển các khuôn khổ quản trị AI để quản lý rủi ro và xây dựng khuôn khổ đạo đức có trách nhiệm bao gồm các nguyên tắc như công bằng, trách nhiệm giải trình, minh bạch và tôn trọng quyền tự chủ của người dân.
Doanh nghiệp
Xác định mục tiêu là nền tảng của việc triển khai AI thành công. Bước đầu tiên là xác định các vấn đề hoặc cơ hội mà chuyển đổi số có thể giải quyết. Sau khi xác định các vấn đề cần giải quyết, các công ty có thể chuyển những vấn đề này thành các mục tiêu. Cách tiếp cận có mục đích và cấu trúc sẽ đảm bảo rằng sáng kiến AI được tập trung, với các điểm cuối rõ ràng để đánh giá và việc triển khai mô hình AI phù hợp với các mục tiêu kinh doanh.
Đánh giá chất lượng dữ liệu và chọn công nghệ AI phù hợp
Do kết quả AI chỉ tốt bằng dữ liệu đầu vào nên việc đánh giá chất lượng dữ liệu đầu vào và khả năng truy cập là bước đầu quan trọng trong bất kỳ quy trình triển khai AI nào. Đầu tiên, chất lượng dữ liệu phải được đánh giá dựa trên một số tiêu chí, bao gồm độ chính xác, tính đầy đủ, tính nhất quán và tính liên quan đến vấn đề kinh doanh. Ngoài ra, dữ liệu phải đại diện cho các tình huống thực tế mà mô hình AI sẽ gặp phải để ngăn ngừa các dự đoán bị thiên vị hoặc hạn chế. Hơn nữa, các hệ thống AI cần phải có khả năng truy cập dữ liệu một cách phù hợp. Tiếp theo, các doanh nghiệp phải xác định loại cấu trúc và phương pháp mô hình AI phù hợp nhất với chiến lược AI của họ. Ngoài việc lựa chọn mô hình, các tổ chức cũng phải xem xét cơ sở hạ tầng và nền tảng sẽ hỗ trợ hệ thống AI.
Xây dựng nhóm thành thạo AI (Team work)
Team work có kỹ năng có thể xử lý được sự phức tạp của quá trình phát triển, triển khai và bảo trì AI. Nhóm nên bao gồm một loạt các vai trò chuyên biệt, chẳng hạn như nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư phần cứng và nhà phát triển phần mềm, mỗi người đều có chuyên môn trong lĩnh vực của mình. Một Team work thành thạo AI không chỉ tăng cường triển khai công việc tốt mà còn phải phối hợp xây dựng năng lực nội bộ để đổi mới và thích ứng AI liên tục.
Kiểm tra và đánh giá các mô hình giúp đảm bảo rằng mô hình chính xác, đáng tin cậy và có khả năng mang lại giá trị trong các tình huống thực tế. Môi trường thực tế là luôn động, với các mẫu dữ liệu và nhu cầu kinh doanh có thể thay đổi, có khả năng tác động đến hiệu quả của mô hình. Sự kết hợp giữa thử nghiệm kỹ lưỡng và đánh giá nhất quán sẽ bảo vệ việc triển khai AI, giúp hệ thống vừa có khả năng đáp ứng được nhu cầu công việc, vừa có khả năng phản ứng với sự thay đổi.
Kế hoạch cho khả năng mở rộng và cải tiến liên tục là điều cần thiết cho bất kỳ triển khai dự án AI thành công nào, vì nó cho phép hệ thống xử lý khối lượng dữ liệu, người dùng hoặc quy trình ngày càng tăng mà không ảnh hưởng đến hiệu suất. Khi lập kế hoạch cho khả năng mở rộng, các tổ chức nên chọn cơ sở hạ tầng và khuôn khổ có thể hỗ trợ mở rộng, cho dù thông qua dịch vụ đám mây, điện toán phân tán hay kiến trúc mô-đun…
Tựu trung, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò trung tâm trong một thế giới đầy biến động, vừa hợp tác và vừa cạnh tranh vì nó là nguồn đòn bẩy, vũ khí và là tiềm tàng của năng lực cạnh tranh phát triển giữa các nền kinh tế trên thế giới đang bước thời kỳ bình minh của Cách mạng công nghiệp 5.0 đang nổi lên. Trong đó, nền kinh tế sẽ vận hành dựa trên sự tăng cường hợp tác giữa con người và máy móc. Bằng cách làm việc cùng với "đồng nghiệp robot", con người và các tổ chức thể chế có thể tập trung vào sự sáng tạo và thử nghiệm, do đó tối đa hóa tiềm năng của mình trên nền tảng của Công nghiệp 4.0 và Công nghiệp 5.0 để hướng đến mục tiêu giúp đất nước trở nên linh hoạt, năng suất hơn nữa và cuối cùng là thực sự làm rạng danh đất Việt.