Trong đám cháy, khu vực nào ít khói và khí độc nhất

Mai Hạ|19/12/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mỗi khi hỏa hoạn xảy ra, rất nhiều khí độc phát sinh trong đám cháy và chính vì thế mà các nạn nhân thường tử vong do ngạt trước khi bị ngọn lửa tấn công. Để tránh bị ngạt khói và khí độc, người dân phải biết khu vực nào có ít khói và khí độc nhất.

Vụ cháy nghiêm trọng xảy ra đêm qua tại quán cà phê hát cho nhau nghe trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến 11 người tử vong vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngoài hơn chục người thiệt mạng, có 4 nạn nhân khác được chuyển đến Bệnh viện E trong tình trạng nguy kịch. Đây là những người may mắn thoát nạn do chạy được lên tầng trên. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn chạy thoát khi tứ bề là khói và khí độc bởi thực tế trong các vụ hỏa hoạn, nếu không kịp chạy thoát theo lối thoát hiểm hoặc không đủ thời gian di tản, nạn nhân đối mặt với nguy cơ hôn mê vì ngạt khí. Nhiều trường hợp tử vong do ngạt trước khi bị lửa tấn công. Chính vì thế, khi đối mặt với hỏa hoạn, người dân cần phải nhớ một nguyên tắc quan trọng nhất đó là phải luôn luôn bình tĩnh và tìm mọi cách để kéo dài thời gian tồn tại trong lúc chờ cứu hộ.

Vùng sát sàn nhà có ít khói độc nhất

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Từ Tuấn Anh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho rằng, ước tính ngạt khói chiếm từ 50 - 80% nguyên nhân gây tử vong trong các vụ hỏa hoạn. Tổn thương do nhiệt chủ yếu ở đường hô hấp trên. Tử vong sớm trong đám cháy chủ yếu do thiếu oxy, kết quả của nồng độ oxy thấp, hít phải khí độc carbon monoxit (CO)… Điều này cho thấy, khi xảy ra cháy nổ, kỹ năng phòng ngạt khói, ngạt khí rất quan trọng và cần thiết.

19-chay.jpg
Khi hỏa hoạn xảy ra phát sinh rất nhiều khí và khói độc trong đám cháy

Theo các chuyên gia y tế, khi đám cháy xảy ra, khí và khói thường có chứa CO. Đây là một loại khí độc nhưng thường không có mùi và không màu nên bệnh nhân khó nhận biết mình đã hít phải và đang bị nhiễm độc.

Khi khí độc CO đi vào cơ thể, nó có thể kết hợp với chất emotobin tạo ra carbonemotobin. Chất này sẽ kết dính với oxy dẫn tới tình trạng thiếu oxy. Vì thế, trong trường hợp hít phải CO với nồng độ cao, nạn nhân rất dễ bị hôn mê và cuối cùng dẫn đến tử vong. Một số biểu hiện của tình trạng ngạt khói là nghẹt đường thở, môi và mặt tím tái do không có đủ oxy lên não.

Theo bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), khi hỏa hoạn xảy ra, đa số người dân khi đối mặt với hỏa hoạn thường mất bình tĩnh và nháo nhào bỏ chạy, quên mất nguyên tắc quan trọng nhất là sự bình tĩnh.

Theo các chuyên gia, khi xảy ra cháy nổ, không gian của đám cháy thường chia làm 2 vùng cơ bản. Thứ nhất là vùng không khí trên cao, sát trần nhà có nhiều khói và khí độc. Thứ hai là vùng gần dưới sàn và đây cũng là vùng không khí có chứa ít khí độc hơn. Do đó, thay vì la hét, xô đẩy nhau và chạy, bác sĩ chuyên khoa I Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec lưu ý, nạn nhân hãy khom lưng, ngồi hoặc bò sát dưới sàn nhà, đồng thời dùng các đồ bằng vải như khăn, chăn, quần áo nhúng nước và bịt miệng mũi để có thể hạn chế tối đa lượng khí độc vào phổi. Đây là một kỹ năng quan trọng để có thể thoát khỏi đám cháy an toàn.

Ngoài ra, một sai lầm mà nhiều người mắc phải khi có hỏa hoạn xảy ra, đó là trốn vào nhà vệ sinh và đóng cửa. Bởi vì họ cho rằng, nhà vệ sinh có nước làm mát và có thể tránh lửa. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc trốn vào nhà vệ sinh trong đám cháy chẳng khác nào đang “tự sát”.

“Không gian nhà vệ sinh thường rất hẹp và kín. Cho dù có lắp quạt thông gió thì khi đám cháy xảy ra cũng không có nguồn điện để quạt chạy. Chính vì vậy, nếu trốn vào nhà vệ sinh, nạn nhân sẽ có nguy cơ cao bị ngạt khí. Khi khói độc tiến đến khu vực này, phổi có nguy cơ hít phải luồng khí độc và nóng, dẫn tới tổn thương nghiêm trọng”, bác sĩ Vân phân tích.

Cũng theo các bác sĩ, khi đám cháy xảy ra, người dân tránh chạy lên cao hoặc vào sâu bên trong. Bởi vì cơ chế khói sẽ ngày càng bốc lên cao, khói vào sâu không có đường thoát sẽ càng dày đặc và nạn nhân sẽ chết ngạt trước khi chết cháy.

“Khi xảy ra sự cố cháy, người dân nên dùng chăn nhúng nước quấn quanh người hoặc dùng khăn ướt đắp vào mặt mũi rồi chạy nhanh qua đám cháy và ra ngoài. Trong trường hợp bị kẹt trong phòng, chúng ta hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào; bịt các kẽ hở xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng dính. Nếu quần áo bị bắt lửa, hãy nằm và lăn người cho đến khi lửa được dập”, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Hà Lam, khi hỏa hoạn xảy ra, nạn nhân tuyệt đối không di chuyển trong tư thế đứng, nếu không sẽ nhanh chóng hít khí độc và rơi vào hôn mê. Bên cạnh đó, cần nhớ nguyên tắc dùng khăn ướt che mặt, che đường hô hấp.

Cách sơ cứu người bị ngạt khói

Mặc dù đã thoát khỏi đám cháy nhưng nạn nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm đến sức khỏe do ngộ độc khí hoặc ngạt khí. Chính vì thế, sau khi đã thoát khỏi đám cháy nên nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và cấp cứu.

19-chay1a.jpg
Một trong số 2 nữ nạn nhân của vụ cháy đêm qua trên phố Phạm Văn Đồng đang được điều trị, chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E

Trong trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Từ Tuấn Anh cho rằng, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy đến nơi an toàn, rộng rãi và thoáng mát; gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ y tế khẩn cấp.

“Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, để họ ngồi xuống hoặc nằm nghiêng, sau đó, nới lỏng quần áo và hỏi các triệu chứng họ đang gặp phải. Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở hãy thực hiện hô hấp nhân tạo và nới lỏng quần áo, trong khi chờ cấp cứu đến. Sơ cứu nạn nhân bị ngạt khói cần lưu ý, nếu họ có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng, cần lấy ra để thông thoáng đường thở”, bác sĩ Tuấn Anh đưa ra hướng dẫn.

Trường hợp nạn nhân bị bỏng, người sơ cứu cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng của họ để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng. Tùy mức độ bỏng, thời gian dội có thể từ 10 - 20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy bớt bỏng rát.

“Người sơ cứu tuyệt đối không được dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm lên người nạn nhân. Do cơ thể nạn nhân đang bị bỏng nóng, da chưa điều tiết về lại nhiệt độ bình thường mà dội ngay đá lạnh sẽ gây bỏng lần 2 dẫn đến bỏng lạnh”, bác sĩ Tuấn Anh lưu ý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trong đám cháy, khu vực nào ít khói và khí độc nhất
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.