Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông nên từ đêm 21/11 đến ngày 24/11, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và giông.
Tổng lượng mưa phổ biến thời gian này từ 100-250mm, cục bộ có nơi trên 350mm.
Ngoài ra, đêm 20/11 và ngày 21/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi cũng có mưa, mưa rào, cục bộ xảy ra mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét là cấp 1.
Sau đó, từ khoảng 24-27/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định tiếp tục nhiều mây, có mưa rào và giông rải rác, cục bộ xuất hiện mưa to.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia khuyến cáo, mưa lớn có thể gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, nguy cơ xuất hiện lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được Tổng cục Khí tượng Thủy văn cung cấp tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.... và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Trong khi đó, khu vực miền Bắc, Thanh Hoá và Nghệ An tiếp tục chuỗi nắng hanh, khô hạn kéo dài. Dự báo từ ngày 21-24/11, khu vực này ngày nắng, đêm không mưa, đêm và sáng trời lạnh, vùng núi đêm và sáng trời rét, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khá lớn.
Dự báo từ khoảng ngày 25-26/11, do ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh tăng cường, miền Bắc có thể chuyển nhiều mây, xuất hiện mưa cục bộ vài nơi, trời rét về đêm và sáng.
Tuy nhiên, từ nay cho đến hết tháng 11, miền Bắc ít khả năng đón rét diện rộng.
Về tình hình hải văn ở Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tại ven biển phía đông của Nam Bộ mực nước triều đang ở mức cao. Mực nước cao nhất quan trắc tại trạm Vũng Tàu là 405cm (vào lúc 2h45 ngày 20/11).
Từ chiều tối ngày 20/11 đến ngày 21/11, ven biển các tỉnh từ Vũng Tàu đến Cà Mau dự báo mực nước khoảng 390 – 400cm.
Trong 24 đến 48 giờ tới, mực nước tại ven biển phía Đông Nam Bộ có xu hướng giảm dần. Dự báo mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 380 - 390cm.
Triều cường cao sẽ làm chậm quá trình thoát nước trên các sông phía Đông Nam Bộ. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, ven sông, vùng ngoài đê bao phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng trong khoảng thời gian sáng sớm và đầu giờ chiều.
Triều cường không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn mà còn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và khả năng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đặc biệt, khi môi trường ẩm thấp kéo dài và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn.