Trung Đông và nỗi lo hạn hán, thiếu nước

Hà Châu|25/08/2021 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chiếc phà từng đưa đón nhiều lượt du khách đến với các đảo nhỏ ở hồ Urmia (Iran) nay nằm bất động, gỉ sét trên khu vực sắp trở thành một đồng bằng muối.

Hai thập niên trước, Urmia vẫn là hồ lớn nhất ở Trung Đông và nền kinh tế địa phương phát triển mạnh nhờ du lịch với các khách sạn, nhà hàng.

Nhà báo Ahad Ahmed tại thị trấn Sharafkhaneh đã chia sẻ với kênh CNN (Mỹ) các bức ảnh về du khách vui thú tại hồ Urmia trong năm 1995 và nói: “Người dân thường đến đây để bơi và chữa bệnh bằng bùn. Họ thường ở đây ít nhất vài ngày”.

Nhưng hồ Urmia nhanh chóng mất đi sức hút khi giảm tới hơn một nửa diện tích, từ 5.400 km vuông trong thập niên 90 của thế kỷ trước xuống chỉ còn 2.500 km vuông ngày nay. Hiện có lo ngại rằng hồ Urmia sẽ biến mất hoàn toàn.

Đây là nỗi lo cũng xuất hiện ở nhiều địa điểm khác ở Trung Đông, nơi nước đang dần khan hiếm. Khu vực này trải qua những đợt hạn hán dai dẳng và nhiệt độ cao gây khó khăn cho cuộc sống con người. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn gây ảnh hưởng đến quản lý nước.

Một số quốc gia Trung Đông như Iran, Iraq và Jordan đang bơm lượng lớn nước ngầm dành cho tưới tiêu. Ông Charles Iceland tại Viện Tài Nguyên Thế giới (WRI) cho biết những quốc gia này cũng đang tìm cách cải thiện năng lực tự cung tự cấp về thực phẩm nhưng lại đối mặt với tình trạng lượng mưa hàng năm giảm.

Ông nói: “Họ đang sử dụng nhiều hơn lượng nước thu được tự nhiên qua mưa. Và do đó, mực nước ngầm giảm xuống vì bạn khai thác nước ra nhanh hơn lượng được bổ sung từ mưa”. Ông Iceland cho biết: “Lượng mưa giảm và nhu cầu nước tăng cao tại những quốc gia này khiến nhiều sông, hồ và vùng đất ngập nước khô cạn”.

Hậu quả của việc nước khan hiếm hơn vô cùng nghiêm trọng: Các khu vực không còn phù hợp để sinh sống; căng thẳng về chia sẻ và quản lý tài nguyên nước như sông và hồ có thể trở nên tồi tệ hơn dẫn đến xung đột chính trị.

Một người bán cà chua nhìn về vùng đất cằn, nhiễm mặn nơi Biển Chết rút dần ở khu vực Ghor Haditha, Jordan. Ảnh: Getty Images, chụp ngày 14/4/2021

Ở Iran, hồ Urmia bị thu hẹp phần lớn bởi có quá nhiều người khai thác, và một số đập được xây dựng để tưới tiêu đã làm giảm lượng nước chảy vào hồ.

Bởi hệ thống đập rộng khắp cả nước phải dành 90% lượng nước cho ngành nông nghiệp. Nhưng năm nay họ đang trải qua một trong những chu kỳ khô hạn trầm trọng nhất trong 5 thập niên qua.

“Mưa giảm trong khi nhu cầu sử dụng nước tăng không ngừng ở các quốc gia trong khu vực đang làm nhiều hồ, sông và vùng ngập nước khô kiệt dần”, theo Iceland.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, mùa Đông tại Trung Đông sẽ khô hơn và mùa Hè ẩm ướt hơn. Ông Mansour Almazroui tại Đại học King Abdulaziz ở Saudi Arabia nhận định: “Vấn đề là khi nhiệt độ tăng, nước mưa sẽ bốc hơi nhanh chóng”.

Bộ Năng lượng Iran gần đây có hoàn thành một nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn nước tự nhiên cạn kiệt có 30% do biến đổi khí hậu. Nguyên nhân này không chỉ tác động đến lượng nước mà còn cả chất lượng nước. Như ở hồ Urmia, vì nước có tính siêu kiềm, rất mặn, nên khi cạn dần nông độ muối lại tăng dần, không thể sử dụng cho tưới tiêu được, trở thành “hồ chết” một phần nào đó.

Ông Daniel Rosenfeld tại Đại học Hebrew (Israel) phân tích rằng Trung Đông cần giảm lượng nước sử dụng trong nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với thay đổi loại thực phẩm người nông dân trồng và xuất khẩu. Ông bổ sung: “Ví dụ tại Israel, chúng tôi trồng nhiều cam, nhưng sau đó chúng tôi nhận thấy mình đang xuất khẩu chính lượng nước khan hiếm”.

Ông Almazroui trong khi đó nhận định các đập nước có thể được cải thiện thích nghi với lượng mưa thay đổi và cần cải thiện hợp tác quản lý các con sông chảy qua nhiều quốc gia.

Anh Kiomars Poujebeli bao năm nay vẫn trồng cà chua, hoa hướng dương, cử cải đường, cà tím và quả óc chó gần hồ than thở nước mặn là thảm họa cho sinh kế của anh. “Ngày mà đất ở đây không cây lương thực nào mọc lên nổi chẳng còn bao xa”, giọng Poujebel trĩu tâm trạng.

Hà Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trung Đông và nỗi lo hạn hán, thiếu nước
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.