Các nhà nghiên cứu và nhân viên bảo tồn xác định hiện còn gần 500 cây sen tuyết này, và núi Balang tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long, thuộc tỉnh Tứ Xuyên là nơi duy nhất có sen tuyết mọc.
Ảnh minh họa
Các nhà nghiên cứu của Viện Thực vật học Côn Minh, thuộc Viện Hàn lâm các khoa học của Trung Quốc, đã phát hiện một loài sen tuyết mới nhưng đang có nguy cơ tuyệt chủng cao tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long, thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam).
Theo nhà nghiên cứu Zhang Yazhou, loài sen tuyết mới, có tên khoa học là Saussurea balangshanensis, được tìm thấy ở khu vực núi cao từ 4.400 – 4.700m trong khu bảo tồn trên. Cây này rất khác với các loài sen tuyết đã được biết đến, và có mùi thơm mạnh.
Các nhà nghiên cứu và nhân viên bảo tồn đã tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ và xác định hiện còn gần 500 cây sen tuyết này, và núi Balang là nơi duy nhất có sen tuyết mọc. Vì vậy, loài này đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Theo chuyên gia trên, sen tuyết núi Balang mọc ở khu vực rất nhỏ, do có một đặc điểm di truyền đặc biệt, và khiến chúng rất dễ bị tổn thương. Nơi sống của loài này ở rất cao trên đỉnh núi, vì vậy rất khó bảo tồn.
Vì những đặc tính vô cùng quý giá, sen tuyết luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tuyệt chủng, bất chấp việc chính quyền Trung Quốc đã có rất nhiều biện pháp để có thể bảo tồn. Đơn cử theo CCTV, vào năm 2015, một nhóm 31 người leo núi đã nhổ hàng trăm bông hoa sen trên đỉnh núi Thiên Sơn – một dãy núi nằm ở khu vực Trung Á, giữa biên giới tây bắc Tân Cương (Trung Quốc) và Kazakhstan chỉ để đăng lên mạng xã hội.
Khu bảo tồn Ngọa Long đã hạn chế hoạt động của con người gần nơi cây sen tuyết mọc và đang lên các phương án bảo tồn.
Tú Anh (T/h)