Theo báo cáo công bố trên tạp chí Analytical Chemistry (Hóa học phân tích) ngày 3/1, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một đoạn dò phân tử nhỏ (small- molecule probe) có thể giúp phát hiện bệnh xơ phổi ở chuột.
Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phối hợp với các chuyên gia từ Đại học Chiết Giang để phát triển một đoạn dò phân tử nhỏ mang tên PNO1 – có khả năng cảm nhận những đặc điểm môi trường vi mô của hiện tượng xơ phổi, điển hình là mức độ oxit nitric trong phổi của người mắc bệnh này.
Nghiên cứu cho thấy những con chuột bị xơ phổi được đặt PNO1 có mật độ huỳnh quang trong phổi cao gấp 6 lần so với những con chuột bình thường.
Lượng huỳnh quang PNO1 ở phổi của chuột cũng thay đổi để thích ứng với liệu pháp điều trị bệnh xơ phổi hiện hành.
Xơ phổi là tình trạng bệnh mạn tính nghiêm trọng do các mô bên trong phổi bị tổn thương, dày và cứng lên làm mất tính co giãn tạo thành sẹo. Các mô sẹo này khiến bệnh nhân khó thở, ăn uống kém, mất khả năng giao tiếp bình thường thậm chí là khả năng hô hấp bình thường.
Đa số các trường hợp, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Khi không xác định được nguyên nhân, tình trạng này được gọi là xơ phổi tự phát.
Càng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cơ hội khôi phục càng cao và xơ phổi cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống thường trực của người bệnh. Ngược lại, nếu không có biện pháp điều trị phù hợp hoặc điều trị sai cách, tình trạng bệnh lý sẽ ngày một nặng theo thời gian. Thậm chí, bệnh sẽ còn gây ra những biến chứng nguy hiểm như: tâm phế mạn, suy hô hấp, suy thận mãn tính, thiếu oxy trong máu…
Ngọc Ánh (t/h)