Từ ngày 1/1/2021, chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được thực hiện. Người có thẻ BHYT khám chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên toàn quốc được trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng.
Dự báo các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương sẽ gia tăng bệnh nhân điều trị nội trú và khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT đáp ứng chi trả đến năm 2021.
Ảnh minh họa.
Thông tin trên Cổng giao dịch Bảo hiểm xã hội điện tử cho biết, căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế, được sửa đổi bổ sung năm 2014, trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng khám chữa bệnh (KCB) đúng tuyến theo tỷ lệ như sau:
– Thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương.
– Thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2021 trong phạm vi cả nước (hiện nay là 60% chi phí điều trị nội trú).
– Thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện từ ngày 1/1/2016.
Đặc biệt, 2 trường hợp khi tự đi KCB không đúng tuyến được được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương như trường hợp KCB đúng tuyến gồm:
– Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Theo đó, bệnh viện tuyến tỉnh hay tuyến Trung ương chỉ điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh lý của người có thẻ BHYT; phù hợp với phạm vi chuyên môn và số giường bệnh nội trú được phê duyệt.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải tăng cường năng lực điều trị, không để bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới vượt lên tuyến trên khám chữa bệnh, gây ra tình trạng quá tải.
Hoàng Minh