Ngày 28/9, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc”. Đây là chương trình được Hiệp hội Du lịch Việt Nam thống nhất với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng và triển khai
Thông qua chương trình, hiệp hội mong muốn khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 đợt 4 và chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới, sống chung với Covid-19. Yếu tố an toàn cho khách và người hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như toàn xã hội là điều bắt buộc.
Một số nguyên tắc chính chương trình đưa ra gồm áp dụng 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát Covid-19 của Chính phủ. Khách du lịch sẽ đi từ vùng xanh đến các điểm du lịch xanh trên cơ sở xác định vùng xanh của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Du khách từ 18 tuổi muốn đi du lịch cần đảm bảo một số yếu tố như đã tiêm đủ liều vaccine, loại được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng và qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng.
Du lịch cần sống chung an toàn với Covid-19. Ảnh minh họa
Các du khách đã phục hồi sau khi nhiễm SARS-CoV-2 cần có xác nhận của Sở Y tế hoặc có xác nhận đủ kháng thể theo quy định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà. Thời gian tính từ khi khỏi bệnh không quá 12 tháng.
Du khách dưới 18 tuổi cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR trong 72 giờ trước khi du lịch ngoài tỉnh, thành phố đang cư trú.
Các yêu cầu về tiêm vaccine của người lao động trong doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cũng giống như trên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở phải đảm bảo 100% người lao động được tiêm đầy đủ vaccine.
Người lao động chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 chỉ được làm việc trực tuyến hoặc tại phòng làm việc độc lập. Người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách như hướng dẫn viên, lái xe… phải được xét nghiệm kết quả âm tính trong 48 giờ tính đến thời điểm bắt đầu công việc tiếp xúc với khách.
Về cách tổ chức các chương trình du lịch, phía hiệp hội yêu cầu tổ chức theo hình thức khép kín, có sự giám sát, kiểm sát chặt chẽ của công ty lữ hành trong suốt quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ. Sau khi kết thúc chương trình, cần theo dõi y tế trong một thời gian nhất định hoặc theo quy định để xử lý tình huống phát sinh với người lao động và thành viên đoàn khách sau chuyến đi.
Các tuyến điểm du lịch và phương án vận chuyển phải đảm bảo an toàn và có quy định điểm được dừng trong tour, điểm đón trả khách.
Các bên tổ chức chương trình du lịch cần quy định rõ chi phí xét nghiệm, điều trị SARS-CoV-2 (nếu mắc). Ngoài bảo hiểm du lịch, công ty có thể bổ sung bảo hiểm đối với trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình đi du lịch.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nhận định, thời gian tới hoạt động du lịch chưa thể diễn ra tự do, tự phát như trước mà cần sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn. Vì thế, với chủ đề Kết nối xanh du lịch Việt Nam, mục tiêu của chương trình là chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới với tư tưởng sống chung với Covid-19, xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế du lịch an toàn và tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch như: lữ hành, lưu trú, điểm đến, ăn uống, vui chơi… đều phải tuân thủ các điều kiện “xanh”.
Chương trình sẽ kết nối khách du lịch đi từ “vùng xanh” với các “điểm du lịch xanh” trên cơ sở xác định vùng xanh của cơ quan quản lý y tế, cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương và ranh giới vùng xanh ở phạm vi chia càng nhỏ càng có tính thích ứng cao trong bối cảnh bình thường mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng nhận định: hiện nay khái niệm về du lịch an toàn vẫn chưa hoàn toàn thống nhất, quan điểm về khôi phục và phát triển du lịch các địa phương còn khác nhau, nên việc triển khai thực hiện sẽ không dễ dàng. Vì vậy, để chương trình này thực sự phát huy hiệu quả thì cần phải có sự chung tay không chỉ của các doanh nghiệp du lịch, ngành du lịch mà còn rất cần sự đồng lòng và quyết tâm của các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương. Có như vậy, màu xanh mới thực sự trở lại, góp phần phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng Covid-19.
Lâm Ngọc