Bà Rịa – Vũng Tàu: Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Vương Anh|13/08/2021 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch.

Tiềm năng du lịch

Được thiên nhiên ưu đãi, Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) có nhiều sinh cảnh kỳ thú như tuyệt tác. Những tuyệt tác thiên nhiên tạo ra từ hơn 50 ngọn núi, quả đồi, trải dài đến sát biển. Thiên nhiên ưu đãi cho BR-VT hơn hết là bờ biển dài hơn 300km với hơn 150km có bãi cát thoai thoải.

Thiên nhiên cũng bày sẵn những tuyệt tác cho BR-VT những cánh rừng nguyên sinh, đặc biệt phải nhắc đến 2 khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu và vườn Quốc gia Côn Đảo. Riêng vườn Quốc gia Côn Đảo là ramsar thế giới thứ 6 của Việt Nam và là ramsar nằm đầu tiên nằm biệt lập giữa biển khơi.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

BR-VT còn có nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng độc đáo. Dấu tích nơi địa đầu vẫn còn lưu giữ qua nhiều ngôi chùa, đình đền, miếu thờ. Ghi dấu lịch sử vùng đất, nhiều công trình kiến trúc ở BR-VT cũng có sức hút rất lớn bởi sự đa dạng, nét độc đáo, tính quy mô mà tiêu biểu là kiến trúc tôn giáo.

Không chỉ sở hữu những bãi biển đẹp tầm thế giới, BR-VT còn sở hữu nhiều di sản văn hóa, nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Nhiều năm qua, lượt khách du lịch đến với tỉnh BR-VT đang dần tăng lên. Sự chuyển mình bứt phá của du lịch BR-VT được minh chứng bằng những con số ấn tượng như: BR-VT có trên 1.100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 457 cơ sở được phân loại xếp hạng từ đạt chuẩn đến 5 sao với 12.897 phòng. Một số dự án mới đã đưa vào khai thác kinh doanh góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch chất lượng cao như: Hồ Tràm Trip, Imperial, Pullman, Malibu, Melia Hồ Tràm, Marina Bay Vung Tau, Oceanami, khách sạn CAO… Những khu nghỉ dưỡng, khách sạn nằm gần biển với lối kiến trúc sang trọng và chất lượng phục vụ tốt đã để lại ấn tượng tuyệt vời trong lòng du khách cả trong và ngoài nước. Nhờ nhiều công trình lớn, sản phẩm mới, từ năm 2015-2020, lượng khách có lưu trú tăng bình quân 7,39%/năm; khách quốc tế có lưu trú tăng bình quân 0,68%/năm. Tăng trưởng du lịch tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội, tới nhiều ngành khác. Diện mạo, đời sống vật chất, văn hóa của người dân ở các địa phương du lịch phát triển được cải thiện rõ rệt.

Mục tiêu phấn đấu

Từ những cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, ngành du lịch tỉnh đã gặt hái được những thành quả đáng kể trong thời gian qua: doanh thu dịch vụ lữ hành tăng bình quân 10,5%/năm, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng bình quân 13,7%/năm. Số lượng khách nội địa có lưu trú tăng bình quân 11,9%/năm, số lượng khách quốc tế có lưu trú tăng bình quân 11%/năm. Bên cạnh đó có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, cơ bản đáp ứng mục tiêu phát triển ngành Du lịch tỉnh BRVT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.

Trong giai đoạn tiếp theo, ngành Du lịch BRVT sẽ tập trung vào việc tiếp tục cụ thể hóa các Chương trình, đề án, kế hoạch chi tiết thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch tỉnh như: Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đề án nghiên cứu thị trường khách du lịch; Đề án Du lịch thông minh; Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng; Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch; Kế hoạch quản lý điểm đến về du lịch…sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành, đảm bảo tăng trưởng hoạt động của ngành theo Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh BRVT giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 17/5/2018; đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút khách và thu hút đầu tư vào hoạt động dịch vụ du lịch, dịch vụ kinh tế biển, dịch vụ vui chơi giải trí.

Từ cơ sở trên, Du lịch BRVT quyết tâm nâng tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch trong GRDP toàn tỉnh, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Nhằm thực hiện được mục tiêu trên, ngành Du lịch BRVT sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch tỉnh BRVT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới khác biệt, có tính lan tỏa và có sức cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và du khách quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch; Đa dạng hóa các loại hình du lịch…

Đây là những điều kiện cần thiết để đến năm 2025-2030 BRVT trở thành Trung tâm du lịch lớn của cả nước và vươn ra tầm quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Du lịch BRVT sẽ quy hoạch, xây dựng và có cơ chế quản lý thích hợp các bãi tắm công cộng, nhà vệ sinh công cộng; Sơ kết, tổng kết, rà soát, điều chỉnh việc tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến phát triển du lịch của Trung ương và của Tỉnh: Đề án “đảm bảo môi trường du lịch”, Đề án “an ninh du lịch”, Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí về ứng xử văn minh trong du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch; Kế hoạch của UBND tỉnh liên quan đến hoạt động phát triển du lịch…

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan và đội ngũ cán bộ công chức, người lao động ngành Du lịch, chắc chắn ngành Du lịch tỉnh BRVT sẽ hoàn thành tốt và đạt được kết quả vượt mức những chỉ tiêu đã đề ra góp phần đưa ngành Du lịch tỉnh phát triển một cách đồng bộ, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

Vương Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bà Rịa – Vũng Tàu: Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn