UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi)

Mai Hạ|16/03/2023 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chiều nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

Phát biểu điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo chương trình, chiều nay, ngày 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước.

Giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã

56c82cc1-4f0b-4efa-be02-ee116f37d762.jpeg
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng KHanh cho rằng nên giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã ( sửa đổi).

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 - 11/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Về tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu đa số ý kiến các đại biểu, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Đối với việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều chỉnh các nội dung về 08 chính sách từ 01 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 08 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Về Liên đoàn hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu chủ trương “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.

Về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã (Chương X), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy ý kiến các đại biểu là hoàn toàn xác đáng, việc quy định về hệ thống Liên minh hợp tác xã tại dự thảo Luật là cần thiết. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung tại Chương X quy định về tổ chức đại diện và hệ thống Liên minh hợp tác xã, giữ lại các nội dung quy định về hệ thống Liên minh hợp tác xã tại Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời bổ sung một số nội dung khác như thể hiện tại Chương X theo chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Về Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia (Điều 83, Điều 85 và Điều 86), Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu ý kiến đại biểu và thể hiện tại Điều 83, Điều 85, Điều 86, Điều 99 và Điều 100 theo hướng phân định rõ các nguồn hình thành Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cũng như đưa ra các nguyên tắc xử lý Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia theo nguồn hình thành khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản.

Tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

ctqh16.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp chiều nay, ngày 16/3.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng mục tiêu lớn khi sửa đổi luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện hơn nữa dự án luật, góp ý vào một số nội dung cụ thể và cũng là nguyện vọng của hợp tác xã chính là các chính sách hỗ trợ, đang quy định từ Điều 17 đến Điều 28 dự thảo Luật. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với các quy định này, Chính phủ phải có dự thảo Nghị định quy định hướng dẫn chi tiết kèm theo làm cơ sở cho Quốc hội xem xét. Đồng thời, đưa một số quy định cốt lõi trong Nghị định này vào trong Luật để bảo đảm cụ thể và khả thi và làm rõ nếu quy định vẫn dừng lại như chủ trương của Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới thì thực hiện là rất khó.

Góp ý đối với một số chính sách cụ thể, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến chính sách tiếp cận vốn và bảo hiểm. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là những chính sách hết sức cần thiết đối với hợp tác xã nhưng thực tế lại có vướng mắc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đối với chính sách tiếp cận vốn, dự thảo Luật cần quy định rõ các ngân hàng thương mại cho các chủ thể như tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại theo quy định pháp luật hiện, trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất, kinh doanh, kể cả về năng lực tài chính và hiệu quả của dự án; quy định hợp tác xã và tổ hợp tác được sử dụng giá trị tài sản hình thành từ quỹ chung mang tên riêng để đảm bảo an toàn cho số vốn cần vay. Đồng thời rà soát quy định việc hợp tác xã được dùng tài sản hình thành từ việc đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến… làm tài sản thế chấp để vay vốn.

Về chính sách bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định trong Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp thí điểm về chính sách bảo hiểm nông nghiệp để lấy một số quy định đưa vào luật, trong đó có bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm ngư nghiệp, bảo đảm cho giá trị pháp lý cao hơn cho bảo hiểm trong lĩnh vực này.

Về bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, qua tổng kết hoạt động hợp tác xã nhiều năm cho thấy nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng của cán bộ quản lý hợp tác xã, nhân viên hợp tác xã mong muốn khi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu. Đây cũng chính là chính sách trong Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm xã hội đa tầng của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định trường hợp nào phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định cách thức thành viên và người lao động làm việc thường xuyên, có nhận tiền công, tiền lương, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định cách thức và chế độ hỗ trợ thành viên của các hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời quy định về cam kết của các thành viên hợp tác xã đối với những hỗ trợ chính sách này.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc quy định rõ các nhóm chính sách về tiếp cận vốn, bảo hiểm và nghĩa vụ của các thành viên khi được hỗ trợ các chính sách liên quan đến tiếp cận vốn hoặc tiếp cận bảo hiểm mới có thể bảo đảm tính khả thi và sức sống của Luật.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ nội hàm đối với các chính sách như: chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường và chính sách hỗ trợ nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.

Góp ý về tổ chức quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quy định trong luật trách nhiệm của giám đốc và tổng giám đốc trong hoạt động mua chung, bán chung các sản phẩm vật tư giống, phân bón, tức là cả đầu vào, đầu ra. Nhấn mạnh, sức mạnh của hợp tác xã là tinh thần đoàn kết, khắc phục bất cân xứng là thị trường đầu vào, vật tư, phân bón thì ít người, bán mà triệu người mua. Tham gia hợp tác xã quan trọng nhất là hoạt động mua chung, bán chung này.

Chủ tịch Quốc hội đồng ý với quy định về tổ chức điều hành nhưng cho rằng cần nhấn mạnh việc phải chịu trách nhiệm trong các hoạt động mua chung, bán chung này để thành viên hợp tác xã thấy lợi ích cụ thể và thiết thực.

Nêu rõ, hoạt động mua chung, bán chung là cốt tử của hợp tác xã, là tính ưu việt của hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định vấn đề này trong luật vừa góp phần làm cho thị trường vẫn cân xứng được và có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa kinh tế rất lớn, cần thiết và đích đáng.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ tán thành với đề xuất quy định việc xóa nợ khê đọng cho các hợp tác xã. Thực tế có những hợp tác xã “chết” từ lâu nhưng không thể nào cho “chết” trên pháp lý được, vì còn vướng nợ. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, nợ khê đọng là nợ không thể đòi được vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau cứ treo mãi mà không thể bỏ ra được. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và các bộ rà soát xem có bao nhiêu khoản nợ nữa cho xóa để tạo điều kiện giải thể, chấm dứt hoạt động những doanh nghiệp kiểu cũ hoặc những doanh nghiệp yếu kém để mở đường lấy chỗ cho doanh nghiệp kiểu mới hoạt động. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ đây là nội dung mới, các cơ quan nghiên cứu bổ sung thêm chính sách xem xét để xóa nợ chỗ đọng để trình vào thời điểm phù hợp.

Báo cáo giải trình làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú bày tỏ cơ bản thống nhất về quan điểm và nội dung đã được sửa đổi của dự thảo Luật. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có những hội thảo, nghiên cứu để làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc hợp tác xã không tiếp cận được tín dụng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng dự thảo Luật lần này đã đặt ra những chính sách tiếp cận vốn cũng như tạo điều kiện cho hợp tác xã một cách căn cốt để hỗ trợ nguồn lực cho các hợp tác xã.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các cơ quan sẽ phối hợp rà soát lại để làm rõ hơn, cụ thể hơn, đặc biệt là liên quan đến 8 nhóm chính sách, trong đó có các chính sách về tiếp cận vốn, thế chấp tài sản, về bảo hiểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi)