Vấn đề nước ngọt tại các đảo du lịch vẫn là bài toán chưa có lời giải

Mai Anh (T/h)|23/07/2019 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua khiến cho lượng nước ngọt tại Cù Lao Chàm suy giảm, người dân trên đảo thiếu nước sử dụng.

Bãi Bìm là hồ nước ngọt duy nhất trên đảo, có dung tích khoảng 800 nghìn m3, cung cấp nước cho hơn 2.500 người dân ở 4 thôn gồm: Bãi Hương, Bãi Làng, Bãi Ông và Thôn Cấm. Ngoài ra, hồ này còn cung cấp nước cho một số đơn vị vũ trang và phục vụ du lịch.

Ông Mai Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, đến nay lượng nước ngọt tại hồ đã cạn, nước ngọt cấp cho bà con thực sự khan hiếm. TP đã chỉ đạo khắc phục lại các giếng khoan và tiếp tục thăm dò khoan thêm thêm giếng lấy nước ngọt cung cấp cho người dân trên đảo.

Mỗi ngày Cù Lao Chàm đón khoảng 3.000 ngàn lượt khách

Riêng thôn Bãi Ông có 200 hộ dân/600 nhân khẩu, đây là thôn khan hiếm nước nhất của xã đảo. Lý do là vì toàn thôn là vùng đá không thể khoan giếng được. Xã đang lên kế hoạch bố trí 4 bồn nước để cung cấp nước cho người dân.

Tuy nhiên, do đảo nằm xa đất liền nên việc cung cấp nước ngọt thực sự đang gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình khô hạn, người dân đang thiếu nước để sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người dân tại thôn Bãi Ông cho hay, khan hiếm nước ngọt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người thức trắng đêm, mang can lên suối xa 3km ngồi chờ lấy nước.

Bên cạnh đó, mỗi ngày Cù Lao Chàm đón khoảng 3.000 ngàn lượt khách ra đảo tham quan. Để đảm bảo nước ngọt phục vụ du lịch, địa phương đã cho khoan đóng giếng tại Bãi Ông lấy nước tại chỗ phục vụ, tuy nhiên nguồn nước ngầm tại đây không đảm bảo yêu cầu.

“Nước có màu phèn đỏ ngầu, khi sử dụng trong sinh hoạt, nước bốc mùi thối kinh khủng. Nhưng không có nước dùng đành chấp nhận thôi” – Anh Trần Văn Tiến, du khách đến từ TP HCM chia sẻ.

Tất cả nỗ lực của địa phương hiện chỉ mang tính nhất thời. Về lâu dài, bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh và du lịch trên đảo là bài toán khó. “Thành phố vừa thống nhất đầu tư 6 tỷ đồng để gia cố chống rò rỉ nước thân đập và đáy hồ Bãi Bìm. Bên cạnh đó địa phương cũng đang thuê đơn vị địa chất về khoan dò tìm nguồn nước ngầm, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt cung cấp, phục vụ người dân và du lịch” – ông Mai Quốc Bảo cho biết thêm.

Không chỉ Cù Lao Chàm, thiếu nước dường như đã trở thành vấn đề cấp bách ở nhiều địa phương, nhất là những nơi có vị trí cách biệt. Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang đối diện với nguy cơ thiếu nước trầm trọng vì mạch nước ngầm bị xâm nhập mặn.

Do đặc điểm không có nguồn nước tự nhiên từ sông, suối nên hầu hết hoạt động sinh hoạt, sản xuất của khoảng 22.000 người dân đảo Lý Sơn phụ thuộc dường như hoàn toàn vào nguồn nước ngầm khai thác từ hơn 2 ngàn giếng nước nơi đây. Nóng hạn cũng đồng nghĩa các giếng nước khô cạn hoặc nhiễm mặn.

Khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, từ năm 2012 đến nay, mực nước ngầm ở đảo tụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, mực nước đo vào cuối 2017 tụt 5m so với năm 2012. Riêng năm 2018, mực nước tụt nhiều hơn 1m.

Ngoài nỗi lo thiếu nước sản xuất (đây cũng thời điểm nông dân Lý Sơn xuống giống hai vụ hành) thì nỗi lo lớn nhất chính là nước sinh hoạt phục vụ du lịch. Để có nước phục vụ du lịch, nhiều hộ dân ở đảo Bé (Lý Sơn) đã phải mua nước từ đảo Lớn, mỗi lần chuyển qua tàu chỉ chuyển được 5 khối với giá 1,1 triệu đồng, còn vận chuyển từ cầu cảng về nhà thì 100 ngàn đồng một xe/một khối.

Vào mùa khô, những giếng nước cũng đang cạn dần

Nguyên nhân từ đâu?

Năm 2018, Cù Lao Chàm đón trên 420 ngàn lượt khách tham quan, lưu trú. Dự kiến, con số này sẽ không ngừng tăng cao qua các năm nếu thành phố không có giải pháp kiềm chế. Việc khách du lịch tăng cao đang gây áp lực về nước sinh hoạt cho đảo.

Trao đổi với báo SGGP, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, đáng lo nhất hiện nay là nguy cơ sụt giảm nước ngầm do hoạt động khai thác quá mức và không đúng kế hoạch.

“Tôi được biết, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đang xây dựng nhà máy xử lý nước trên đảo, còn với thành phố hiện vẫn chưa có dự án khai thác nào được triển khai nơi đây”, ông Hùng thừa nhận.

Có thể khẳng định, không chỉ nguồn nước mà tất cả tài nguyên trên đảo đều có giới hạn do vị trí cách biệt với bên ngoài. Vì vậy, ngoài sử dụng khoa học, tiết kiệm thì việc đánh giá trữ lượng, lập quy hoạch, kế hoạch khai thác bền vững cũng là điều nên tính tới, nhất là trước áp lực gia tăng dân số cơ học thông qua các hoạt động du lịch.

Cùng chung tình cảnh với Cù Lao Chàm, đảo Bé Lý Sơn cũng đang là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước, việc thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến việc phục vụ nhu cầu của du khách.

Theo phản ánh của các hộ kinh doanh du lịch tại bãi tắm đảo Bé, sở dĩ việc hạn chế nước ngọt phục vụ nhu cầu tắm của du khách bởi ngoài việc phải mua nước ngọt từ đảo Lớn chuyển qua với giá 280 ngàn đồng/mét khối, thì phí vận chuyển nước từ cảng đến bãi tắm cũng tốn từ 120-150 ngàn đồng/mét khối. Có nghĩa giá nước sẽ cao gần 40 lần theo giá nhà nước bán cho dân.

Năm 2012, dự án nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt trị giá 1 triệu USD được Công ty DOOSANVINA tài trợ cho xã đảo An Bình, với công suất khoảng 100 mét khối/ngày đêm. Tuy nhiên, từ khi xảy ra sự cố hư hỏng, công suất nhà máy giảm đáng kể, khiến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân gặp khó khăn.

Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, bà Phạm Thị Hương, cho biết: “Hiện địa phương đã liên hệ với nhà tài trợ thiết bị khảo sát, đánh giá mức hư hỏng của nhà máy nước để có biện pháp khắc phục, không để tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và nhu cầu của du khách”.

Mai Anh (T/h)

Bài liên quan
  • Túi nước ngọt khổng lồ dưới đáy biển
    Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học đã có phát hiện bất ngờ dưới đáy biển ngoài khơi vùng bờ biển đông bắc nước Mỹ là một túi nước ngọt khổng lồ được bao phủ bởi trầm tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề nước ngọt tại các đảo du lịch vẫn là bài toán chưa có lời giải