Vào năm 2030, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa dầu “đáng kinh ngạc”

Thanh Thanh|13/06/2024 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới có thể sẽ dư thừa nhiều dầu mỏ vào năm 2030.

Cụ thể, do sản lượng tăng nhanh, các nhà sản xuất dầu mỏ tiếp tục đổ tiền vào các dự án mới, trong khi nhu cầu giảm do chuyển đổi năng lượng sạch nên thế giới có thể sẽ dư thừa nhiều dầu mỏ vào năm 2030.

IEA cho biết tình trạng dư thừa dầu “chưa từng có” vào năm 2030 sẽ phá vỡ nỗ lực quản lý thị trường của OPEC + (liên minh gồm các thành viên sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài tổ chức OPEC).

Báo cáo Oil 2024 của IEA cũng cho thấy, doanh số bán xe điện ngày càng tăng. Việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và năng lượng mặt trời, cùng với việc Trung Quốc giảm nhu cầu về dầu sẽ khiến thế giới có nhiều dầu hơn mức cần thiết vào cuối thập kỷ này.

du-thua-dau.jpg
Theo nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới có thể sẽ dư thừa nhiều dầu mỏ vào năm 2030

Giám đốc điều hành của IEA - Ông Fatih Birol đưa ra nhận định, sự suy giảm nhu cầu dầu từ Trung Quốc là rất quan trọng, liên quan đến dự đoán tăng trưởng kinh tế chậm lại từ 6 %/năm xuống còn 4 %/năm.

Trong năm 2023, thế giới tiêu thụ khoảng 102,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. IEA cho biết, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ chững lại ở mức 106 triệu thùng/ngày vào cuối thập kỷ này, trong khi khả năng cung cấp tổng thể có thể đạt 114 triệu thùng/ngày.

Cũng theo phân tích khu vực của IEA, mức giảm nhu cầu dầu lớn nhất sẽ đến từ khu vực Bắc Mỹ - nơi nhu cầu tổng thể dự kiến ​​sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Tương tự, nhu cầu ở châu Âu sẽ giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ dẫn đến dư thừa khoảng 8 triệu thùng/ngày.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng đưa ra lưu ý, đối với các nước châu Á đang phát triển nhanh như Trung Quốc, cùng với lĩnh vực hàng không và hóa dầu vẫn sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, đạt mức 102 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang sử dụng xe điện cùng với việc tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu sẽ giúp hạn chế mức tăng nhu cầu chung xuống khoảng 2% vào năm 2030.

Trước đó, vào năm ngoái, IEA dự báo thế giới đang dần bước vào kỷ nguyên chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo tổ chức này, nhu cầu về dầu, khí tự nhiên và than đá sẽ bắt đầu giảm trong thập kỷ này khi năng lượng tái tạo và xe điện được ứng dụng ngày càng nhiều.

Dự báo trên đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà sản xuất dầu mỏ, đặc biệt là ở Trung Đông và Mỹ khi hoạt động khai thác dầu thô vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Chi tiêu dành cho dầu mỏ trên toàn cầu đã tăng lên 538 tỷ USD vào năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 2019. Tình trạng trên phần lớn đến từ mức tăng gấp đôi chi tiêu dành cho nhiên liệu này của các công ty dầu khí tại Trung Đông và Trung Quốc trong vòng 10 năm qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vào năm 2030, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa dầu “đáng kinh ngạc”