Vật liệu nào thay thế cát sông?

Hạ Vy|24/11/2023 20:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Là nội dung buổi toạ đàm diễn ra tại TP Cần Thơ do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức dưới sự chủ trì của Quyền Tổng Biên Lê Anh Đạt và Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ-ông Dương Tấn Hiển.

24-tdcats.jpg
Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạ và; ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ đồng chủ trì

Sáng 24/11, tại TP Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt; ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ đồng chủ trì, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến với nội dung “Vật liệu nào thay thế cát sông?”.

Các khách mời tham gia buổi toạ đàm có: Ông Tống Văn Nga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; PGS. TS. Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ (Viện DRAGON - Mekong); Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ; Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và ông Võ Tấn Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch MeKong (Người sáng chế máy tuyển cát đồi núi sông suối, cát biển xây dựng, san lấp…).

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm "Vật liệu nào thay thế cát sông?", nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết chủ trì Tọa đàm, cho biết, vấn đề thiếu cát đang rất nóng ở Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước. Cát ngày càng khan hiếm, nếu tăng khai thác sẽ tăng sạt lở, gây tổn thương các dòng sông; trong khi nhu cầu cát xây dựng, nhất là tại các công trình giao thông trọng điểm đang rất bức thiết. Việc thiếu cát sông trong xây dựng cũng gián tiếp thúc đẩy tình trạng khai thác cát quá mức ở các con sông. Vậy làm thế nào để hài hòa giữa phát triển và giảm tổn thương cho các dòng sông?

“Đời sống dân sinh và cuộc sống con người gắn bó đặc biệt với các con sông. Ông cha ta đã từng nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Việc khai thác quá mức ở các con sông chính là cách chúng ta đang chống lại thiên nhiên, làm thay đổi tự nhiên và làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của con người.

Ở khía cạnh những người làm truyền thông chúng tôi thấy rằng, những ý tưởng mới, cách nhìn nhận mới, giải pháp mới không chỉ trong lĩnh vực xây dựng mà trong bất cứ lĩnh vực nào đều mang lại những thay đổi căn bản và những lợi ích lớn lao.

Trong ngành xây dựng, việc tìm ra các giải pháp trước mắt và cho tương lai vật liệu thay thế cát sông không chỉ giải quyết được các vấn đề căn cốt ngay bây giờ mà còn là câu chuyện dài hạn”, ông Đạt nói.

“Với tư cách tổ chức, cơ quan truyền thông báo chí, tôi mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lí, đại diện doanh nghiệp có mặt trong toạ đàm hôm nay, chúng ta cùng nhau rất thẳng thắn, hiệu quả, trực diện để có những đề xuất để hướng đến tương lai tốt đẹp về câu chuyện khai thác cát sông trong xây dựng. Quan trọng hơn nữa để hướng đến cuộc sống của chúng ta, tương lai của chúng ta”, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết nêu quan điểm đồng thời mong muốn khách mời tham gia buổi toạ đàm chia sẻ ý kiến xung quanh 2 vấn đề:

Thứ nhất, nêu rất rõ thực trạng thiếu cát hiện nay được nhìn nhận dưới rất nhiều góc cạnh khác nhau để thấy được một cái nhìn toàn diện: dưới cả góc nhìn của những nhà quản lí, doanh nghiệp,…

Thứ hai, tìm ra được những giải pháp, cách thức để tìm ra vật liệu thay thế cát sông hiện nay. Đây là vấn đề rất lớn, trong toạ đàm hôm nay chúng ta sẽ trao đổi để làm sáng tỏ, hướng đến toàn xã hội từ những trách nhiệm khác nhau: trách nhiệm quản lí, trách nhiệm của các nhà khoa học, nghiên cứu và trách nhiệm từ thực tiễn để có những suy nghĩ, đề xuất, tư duy nhằm thay đổi cả quá trình.

Cát ở Cần Thơ chỉ còn khoảng 5,3 triệu m3

24-td-csong(1).jpg
Quang cảnh buổi toạ đàm

Thay mặt lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực thành phố Dương Tấn Hiển gửi lời cảm ơn Báo Đại Đoàn Kết và các vị khách mời đã chọn TP Cần Thơ để tổ chức buổi tọa đàm. “Vật liệu nào thay thế cho cát sông?” là một chủ đề được các ngành, các cấp, nhân dân quan tâm tìm hiểu. Tọa đàm sẽ chia sẻ những nghiên cứu ứng dụng mới.

Đối với TP Cần Thơ được Trung ương, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư 2 công trình cao tốc trên địa bàn: đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 thành phần 2 đi qua địa bàn TP Cần Thơ. Lượng cát của đường cao tốc Bắc-Nam khoảng là 6 triệu m3, còn đoạn cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng trên 5 triệu m3 cát. Ngoài ra, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và đặc biệt các đường giao thông để kết nối quốc tế và các tỉnh xung quanh.

Như vậy, lượng cát TP Cần Thơ cần là rất lớn, nhưng Cần Thơ với vị trí nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Kông nên qua nghiên cứu đánh giá, lượng cát trên địa bàn hiện nay chỉ còn khoảng 5,3 triệu m3 nhưng chất lượng cát hạt rất nhỏ và lẫn bùn nhiều. Qua nghiên cứu đánh giá của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cát của TP Cần Thơ không đủ quy chuẩn để làm đường cao tốc. Do đó, Cần Thơ rất cần cát ở các nơi khác, ở các tỉnh lân cận để thay thế.

Mặt khác, cát ở lòng sông Hậu là tài nguyên khoáng sản hữu hạn. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) năm 2023 đánh giá, nếu như chúng ta thực hiện với trữ lượng hiện tại và khai thác như hiện nay thì chúng ta chỉ còn tồn tại khoảng một thập kỷ.

Trước những khó khăn như thế, TP Cần Thơ đã giao các sở ngành nghiên cứu sử dụng cát biển để thay thế cát sông. Nhưng việc này phải qua nghiên cứu sâu trong thời gian dài để làm sao sử dụng cát mà không ảnh hưởng tới môi trường.

"Tôi rất mong trong tọa đàm hôm nay, sự quan tâm chia sẻ của các nhà khoa học sẽ giúp TP Cần Thơ nói riêng và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn vật liệu cát thay thế cát sông", Phó Chủ tịch Thường trực thành phố Cần Thơ chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vật liệu nào thay thế cát sông?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.