(Moitruong.net.vn) – Theo thống kê của Bộ Xây dựng, để sản xuất ra 1 tỷ viên gạch đất sét nung, Việt Nam phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m), 150.000 tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2.
Vật liệu xây được sử dụng với số lượng rất lớn, năm 2010, cả nước sử dụng khoảng 17 tỷ viên, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) ở thời điểm đó chỉ vào khoảng 5 – 10% trong tổng số vật liệu xây. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng vật liệu xây ở nước ta vào năm 2020 là 33 tỷ viên (QTC). Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính.
Theo quy hoạch điện 7, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 30 – 40 triệu tấn tro xỉ gây ô nhiễm môi trường. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho VLXKN. Vì vậy, việc phát triển sản xuất VLXKN từng bước sử dụng các nguồn phế thải này làm nguyên liệu sẽ giảm ô nhiễn môi trường, tạo ra các sản xanh.
Mặt khác, việc sử dụng VLXKN trên thế giới đã có từ lâu với tỷ lệ sử dụng rất cao, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaixia có mức sử dụng VLXKN tới 70 – 80%.
Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 567/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (Chương trình).
Mục tiêu của Chương trình là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội; phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20 – 25% vào năm 2015, 30 – 40% vào năm 2020; hàng năm, sử dụng khoảng 15 – 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.
Nhằm tăng cường nguồn lực cho Chương trình, năm 2014, Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ trì, Bộ Xây dựng đồng thực hiện Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam (Dự án) do UNDP tài trợ từ nguốn vốn của Quỹ Môi trường toàn cầu. Mục tiêu của Dự án là giảm mức phát thải nhà kính hàng năm bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung. Mức giảm phát thải nhà kính trực tiếp ước là 383 nghìn tấn CO2; mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước đạt 13,4 triệu tấn CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết: Sau một thời gian triển khai, Dự án Tăng cường sản xuất và Sử dụng gạch không nung tại Việt Nam nhằm triển khai Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 đã có đóng góp to lớn cho việc phát triển VLXKN. Tuy vậy, để tiếp tục thực hiện Dự án một cách hiệu quả nhất, cần có chính sách quản lý chặt chẽ sản xuất gạch đất sét nung ở các địa phương.
Để làm được điều này, theo ông Khánh, các địa phương cần ban hành đồng bộ, cụ thể hóa các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN; bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo tiêu chí cụ thể; tiếp tục thực hiện lộ trình xoá bỏ lò gạch thủ công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó, có việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuân thủ kỹ thuật xây dựng; xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ việc sử dụng VLXKN theo quy định.
Nhấn mạnh việc cần thiết phải thúc đẩy tăng cường phát triển sản xuất gạch không nung tại Việt Nam, bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam cho rằng: Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện tiến trình phát triển tăng trưởng xanh thông qua ký cam kết tham gia thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030, định hướng tăng trưởng xanh, trong đó, đặt trọng tâm là tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, Việt Nam đã có bước nỗ lực, ấn tượng trong phát triển gạch không nung với những chính sách quan trọng được đưa ra kịp thời. UNDP sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, nhằm thúc đẩy tăng cường sản xuất gạch không nung theo mục tiêu đã đề ra…
Theo Monre.gov.vn