Về Hội An xem lão nông "đóng" giường bằng gốc tre

Tiên Sa|15/04/2023 14:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhờ đôi tay khéo léo, nghệ nhân Võ Tấn Mười (81 tuổi, trú xã Cẩm Thanh, TP. Hội An) đã làm ra những sản phẩm độc đáo từ gốc tre, trối tre, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho phố cổ Hội An.

Trong kho tàng sản phẩm mỹ nghệ được chế tác bằng tre, độc đáo nhất là ông chế tác những chiếc giường nằm bằng nguyên liệu là gốc tre hiện có khá nhiều người “đặt giường” bởi họ cho rằng đã là “gốc tre” thì phải “mạnh mẽ”, “cứng cáp” nên nằm trên giường gốc tre chắc... sẽ sinh được con trai (!).

W_hoi-an-1.jpg
Lão nông Võ Tấn Mười đang đóng “giường gốc tre”

Thời gian gần đây, nhiều du khách đến Hội An, tỉnh Quảng Nam rất thích tham gia chương trình khám phá làng quê ở xã Cẩm Thanh bởi tận mắt xem phong cảnh làng mạc, sông nước hữu tình, đời sống sinh hoạt của cư dân ngoại vi phố cổ. Nhưng ấn tượng hơn cả là khi đến ngôi nhà kỳ thú của ông Võ Tấn Mười, du khách sẽ mục kích từ trong nhà ra tới ngoài vườn, ông cho treo đầy các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre rất độc đáo…

Ông Võ Tấn Mười vốn là bộ đội của Mặt trận 4 Quảng Đà, phục viên năm 1976. Ông có thâm niên hơn 50 năm trong nghề tranh tre dừa nước. Mấy chục năm qua, ông mày mò, tỉ mẩn chế tác hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu tre. Bằng đôi tay khéo léo và trí sáng tạo không ngừng, ông cho ra đời những tác phẩm độc đáo. Đó là những bộ salon làm từ gốc tre, trối tre uốn lượn như rồng bay phượng múa; các dụng cụ trang trí mỹ thuật bằng tre được chế tác rất công phu như vỏ đựng các chai rượu Tây, đèn ngủ, tôm càng…

W_hoi-an-2.jpg
Ông Võ Tấn Mười đang chế tác hàng thủ công mỹ nghệ bằng tre.

Đặc biệt, ông cùng các con trai đã chế tác ra những sản phẩm độc đáo. Đó là chiếc điện thoại bàn giả cổ bằng tre (đoạt giải ba tại cuộc thi sáng tác sản phẩm lưu niệm TP Hội An lần thứ 2-2011); hoặc cây đàn guitar mà bề ngoài trang trí bằng tre cũng không kém phần thú vị, thanh nhã; hay chiếc xe đạp cũng bằng tre…

Một sản phẩm mới mà ông Mười đang dành nhiều công sức để làm là giường gốc tre. Đến nay, ông đã làm được trên 10 chiếc, diện tích 2,5 m x 2 m hoặc 2,1 m x 1,6 m. Để làm ra mỗi chiếc giường như vậy, ông sử dụng 8 gốc tre cùng kích cỡ, hình thù tự nhiên.

“Ưu điểm của giường gốc tre là rất bền vì làm bằng tre ngâm nên không sợ bị mối mọt ăn. Giường lại nằm rất êm và mát. Hiện có khá nhiều người đặt hàng làm giường. Họ cho rằng đã là “gốc tre” thì phải “mạnh mẽ” nên nằm trên giường gốc tre chắc... sẽ sinh được con trai (!).

Nhờ cần cù chịu khó và đôi tay khéo léo, những gốc tre, trối tre đã được ông Mười biến thành những vật dụng, sản phẩm hữu dụng, có giá trị cao. Ông cho biết ghế salon bằng tre có 3 loại, thời gian hoàn thành một bộ từ 1-2 tháng, tùy theo loại, giá từ 8-15 triệu đồng/bộ. Đèn ngủ thì có nhiều loại với giá vài trăm ngàn đồng một chiếc. Còn giường gốc tre, mỗi chiếc ông mất 1 tháng gia công, giá bán 5-6 triệu đồng/chiếc. “Cũng nhờ những gốc tre này mà cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn” - ông nói.

Nói về bí quyết làm nghề, ông Võ Tấn Mười chỉ dẫn tận tình: “Nguyên liệu dùng để chế tác các loại hàng là tre đặc, tre không gãy ngọn, đích thân tôi lặn lội về các miền quê trong tỉnh tuyển chọn, tìm mua và mang về ngâm trong nước lợ khoảng 1 năm, sau đó để khô hoàn toàn rồi mới xử lý chống mọt, nứt, bể…”.

W_hoi-an-4.jpg
W_hoi-an-3.jpg
Ông Võ Tấn Mười giới thiệu một số loại chông.

Những lúc rảnh rổi, ông Mười lại vót tre “phục chế” lại hàng chục loại chông tre mà ngày xưa khi còn là bộ đội, ông đã chế tác ra chông và các loại bẫy bằng tre, lồ ô, giang, nứa… để phục vụ chiến trường. Những lúc du khách đến xem các sản phẩm độc lạ này, mắt ông lại bừng sáng lên và nói cho du khách biết tên, nguyên liệu, nghệ thuật…chế tác để cho mọi người, nhất là lớp trẻ biết những phát minh, sáng tạo của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh đánh giặc ngoại xâm giữ gìn quê hương, đất nước.

Hiện nay, dù cao tuổi nhưng lão nghệ nhân Võ Tấn Mười vẫn say mê với nghề. Do ông có tay nghề cao, các ngành chức năng nhờ ông truyền nghề lại cho lớp trẻ và được ông vui vẻ nhận lời. “Tôi mong muốn nghề mỹ nghệ tre sẽ không bị mai một và ngày càng có nhiều bạn trẻ học nghề tâm huyết để có thể làm ra các mặt hàng vừa có tính thẩm mỹ cao vừa bền chắc và thân thiện với môi trường” - ông Mười bày tỏ.

Ông Võ Tấn Mười nói: “Sản phẩm của gia đình tôi làm ra không kịp bán. Tôi rất vui khi hàng thủ công mỹ nghệ bằng tre của mình theo chân du khách đến mọi miền đất nước và ra nước ngoài, góp phần đa dạng thêm các sản phẩm du lịch cho địa phương mình - phố cổ Hội An”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Về Hội An xem lão nông "đóng" giường bằng gốc tre