Vì chất lượng cuộc sống

(Theo Hà Nội Mới)|23/02/2016 08:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hình thành một đề án thu gom, vận chuyển rác thải toàn thành phố giai đoạn năm 2017-2020 và 2020-2025, theo tiêu chí: Cơ giới hóa việc thu gom rác, thay thế toàn bộ xe đẩy; đầu tư xe hút rác, hút bụi tại nơi công cộng…; đồng thời làm tốt hơn nữa quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Chỉ có vậy, cuộc sống của người dân, cũng như mục tiêu xây dựng thành phố sạch đẹp mới đạt được.

Rac-Dai-Yen--Chuong-my

Nhiều vệ đường, bờ ruộng bị biến thành bãi tập kết rác gây ô nhiễm môi trường.

Gom rác cũng gây… ô nhiễm môi trường!

Rác thải luôn là vấn đề với các đô thị lớn và thu gom, xử lý rác thải không phải là câu chuyện riêng của Hà Nội. Tuy nhiên, với một đô thị hơn 10 triệu dân, mỗi ngày thải ra tới 5.600 tấn rác, trong khi việc thu gom, xử lý vẫn còn nhiều bất cập thì đây quả là vấn đề. Rõ ràng, việc thu gom rác bằng xe thủ công vừa cồng kềnh, vừa lạc hậu đã hình thành các điểm tập kết rác không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây mất an toàn giao thông mà còn hiệu quả thấp và tạo ra những điểm ô nhiễm môi trường ngay trong các khu vực dân cư. Và một thực tế vẫn thường xuyên diễn ra bất chấp các quy định là nhiều điểm “cẩu rác” tập trung, xe gom tập kết nhiều hơn quy định (5 xe), không phủ bạt che chắn, không tưới rửa, vệ sinh kịp thời…

Vì sao bức tranh thu gom rác vẫn mãi cảnh khổ (!?) liên hoàn như vậy? Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, phí vệ sinh thấp chưa đủ để đơn vị thu gom tự cân đối; cùng với đó, ý thức người dân chưa cao nên việc duy trì vệ sinh môi trường vô cùng vất vả. Công nhân làm đi, làm lại vẫn không hết rác, không đáp ứng được yêu cầu… Vấn đề nữa là các quận nội thành không có trạm trung chuyển rác. Rác được đưa thẳng từ điểm “cẩu rác” đến khu xử lý, làm tăng kinh phí vận chuyển, phát tán mùi, nước rỉ rác ra môi trường. Bình quân mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) tiếp nhận 4.000 tấn rác, nhưng phần lớn xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Phương pháp này lãng phí rất lớn quỹ đất, gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng. Trong khi đó ở khu vực ngoại thành, việc thu gom xử lý rác thải cũng có không ít vấn đề, nơi thu gom rồi chôn lấp một cách thủ công, nơi đốt rác một cách tùy tiện ở đầu làng cuối xóm và chuyện bờ ruộng này, vệ đường nọ bất ngờ bị biến thành bãi rác cũng không hiếm…

Ở góc độ trực tiếp tổ chức hoạt động đầy “gian khổ” này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long Nguyễn Phúc Thành lý giải: Phương tiện là vấn đề mấu chốt để làm tốt việc thu gom rác. Ông Thành tính toán, mỗi ngày các quận nội thành thu gom hàng nghìn tấn rác trong vòng từ 19h đến 22h, nếu không cơ giới hóa, không đầu tư phương tiện, ùn ứ rác thải sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Phúc Thành đề xuất đưa công nghệ vào quy trình quản lý để phân loại rác thải, góp phần giảm thiểu chi phí ngân sách. “Chúng ta phải bảo đảm rằng, rác sinh hoạt của người dân thì ngân sách thành phố chi trả, còn rác từ cơ sở kinh doanh thì phải do những hộ này chi trả. Việc này phải được quản lý bằng phần mềm điều hành online” – ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ngay cả khi ngân sách thành phố chi trả thì cũng phải gỡ cho được một thực tế bất cập mà như ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết: Hiện tại về thu phí, thành phố có quy định là 3.000 đồng đối với ngoại thành, nhưng thực tế, một số xã thông qua HĐND xã đồng ý để tăng phí lên 5.000 đồng mới đủ chi phí. Vì thế, huyện đề xuất với thành phố nghiên cứu và có một quy định chung trong việc thu phí như thế nào để đỡ cho việc HĐND xã phải có biểu quyết, thống nhất thu chung trên địa bàn huyện…

Đề án tổng thể và giải pháp cấp bách

Về phương tiện thu gom rác, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, Hoàng Mai đã xử lý một phần vấn đề nan giải trong thu gom rác bằng việc đưa xe cơ giới vào sát khu dân cư. Các tuyến đường trên 7m, quận đưa xe hút bụi công suất lớn vào hoạt động. Theo ông Nguyễn Quang Hiếu nên đầu tư phương tiện hiện đại, vì những xe ép rác từ 3 khối xuống 1 khối sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa ra các giải pháp cấp bách nhằm giải quyết triệt để các “tụ điểm” rác trong thành phố; đồng thời hoàn thiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải thì việc hình thành đề án thu gom, vận chuyển rác thải toàn thành phố giai đoạn năm 2017-2020 và 2020-2025, theo các tiêu chí: Cơ giới hóa việc thu gom rác, thay thế toàn bộ xe đẩy; đầu tư xe hút rác, hút bụi tại nơi công cộng… là hết sức cần thiết. Với khu vực ngoại thành, cần sớm triển khai hoạt động thu gom rác tại toàn bộ các xã rồi vận chuyển về xử lý tập trung. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của thành phố (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng…) cũng cần lưu ý, tính toán xây dựng trạm trung chuyển và giảm phí vận chuyển.

Trên cơ sở quy hoạch xử lý rác thải, cũng cần công khai địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải, xây dựng quy trình khép kín từ khâu thu gom vận chuyển đến bãi rác, cũng như các cơ sở áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý để hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường… Và một điều không thể không đề cập là trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, quận, huyện trong việc chỉ đạo về lĩnh vực môi trường, nói chung, thu gom xử lý rác thải nói riêng…

Ông Nguyễn Phúc Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long hiến kế: Việc phân cấp nên chia làm 2 mảng: Thứ nhất là thu gom – vận chuyển – xử lý. Điều này thành phố nên quản lý vì đây là công đoạn có tính liên hoàn không thể tách rời nhau. Còn mảng quét dọn vệ sinh công cộng, rửa đường, quét hút bụi nên phân cấp cho cấp quận quản lý (đối với nội thành), và nên giao trọn vẹn cho huyện quản lý và bắt buộc huyện phải thực hiện cả 3 khâu. Trong xử lý rác, có thành phần hữu cơ (40-45%), huyện phải xử lý bằng công nghệ sinh học…

Như trên đã nói, rác thải luôn là vấn đề “nóng” đối với các đô thị. Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp căn cơ, bên cạnh một đề án tổng thể là những giải pháp cấp bách mà cơ giới hóa việc thu gom rác thải cần được xem là một ưu tiên. Đi đôi với đó là cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ sở kinh doanh sản xuất nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, từng bước tiến hành phân loại rác tại nguồn. Chỉ khi đó, vấn đề “nóng” mới dần “nguội” đi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và làm cho Thủ đô thêm sạch đẹp.

(Theo Hà Nội Mới)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì chất lượng cuộc sống