“Vị” của Tết xưa

Ngọc Anh|05/02/2019 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Những ngày cuối năm, trong không khí vội vã này, người ta thường hoài niệm về Tết quê cách đây khoảng một thập kỉ. Đó là những kí ức không thể phai mờ đối với những người lớn tuổi, còn đối với những thế hệ sống trong thời kỳ đổi mới cũng ít nhiều hình dung được ở quê hương mình đã từng có những cái Tết quê như thế.

>>> Hà Tĩnh: Nhộn nhịp chợ Xuân ngày cuối năm

>>> Giao thừa trên “chuyến tàu 2 năm” nối liền Bắc – Nam

Chợ Tết xưa không quá nhiều mặt hàng như hiện nay nhưng vẫn luôn tấp nập, đông vui. Nguồn: Internet.

Tết Nguyên đán là thời điểm mà bất cứ người Việt Nam nào cũng mong chờ. Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, Tết cũng thay đổi. Thế nhưng, Tết xưa luôn có những điều khiến bất cứ ai xao xuyến mỗi khi nhớ về.

Dọn nhà ăn Tết

Ngày xưa, dọn nhà ăn Tết trong ký ức nhiều người là cả một “cực hình”, nhưng đôi khi lại rất vui nếu bạn biết biến nó thành những trò chơi đầy sáng tạo. Chưa kể đến cả gia đình cùng chung tay nhau dọn, cùng đùa giỡn cười đùa khiến ai nấy cũng đều cảm nhận được tình cảm ấm áp gia đình và không khí ngày Tết đang đến cận kề.

Mua sắm ngày Tết

Ngày xưa, trẻ em luôn hào hứng mỗi khi Tết đến, Xuân về vì sẽ được bố mẹ sắm cho quần áo mới, thậm chí còn được mua bánh kẹo thỏa thích. Cùng với đó, khoảnh khắc cùng cha mẹ đi chợ Tết, chen vào trong dòng người đang rộn ràng mua sắm đều sẽ dễ dàng cảm nhận không khí Tết đang đến rất gần.

Đón khoảnh khắc giao thừa

Đối với trẻ con ngày trước, đêm Giao thừa là khi cùng ông bà bố mẹ chắp tay thành kính trước bàn thờ, thắp nén nhang mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Sau đó, mọi người sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm, chúc nhau những điều tốt đẹp rồi mới nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày đầu năm mới.

Đoàn tụ gia đình

Tết xưa, mọi người quây quần bên nhau, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ trong không khí vô cùng ấm áp. Những nụ cười rôm rả, ánh mắt ông bà, cha mẹ ánh lên một niềm vui không sao miêu tả được bằng lời. Lũ trẻ vui đùa cùng nhau, xúng xính trong những bộ áo quần xinh đẹp, khoe nhau những phong bao lì xì đỏ tươi.

Chúc Tết

Ngày xưa, bạn bè gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúc nhau năm mới thật tốt đẹp bằng những câu đối, vần thơ. Trẻ em sẽ đi cùng với người lớn đến thăm họ hàng, làng xóm để chúc Tết.

Chụp ảnh ngày Tết

Hình ảnh quen thuộc của gia đình Việt bên cạnh mâm ngũ quả, bánh mứt ngày Tết được chụp bằng máy chụp hình truyền thống, lưu giữ giây phút đông đủ các thành viên trong gia đình.

Khai bút đầu năm

Ngày đầu năm, trẻ em thời xưa thường được bố mẹ hướng dẫn khai bút để lấy may cho một năm học hành thuận lợi, thi cử đỗ đạt và cầu mong những ước nguyện gửi gắm trong từng nét chữ sẽ thành hiện thực. Tùy theo từng năm mà ngày “khai bút” sẽ được chọn lựa. Người lớn sẽ chọn giờ đẹp, ngày đẹp để trẻ con trong nhà khai bút.

Trò chơi ngày Tết

Trẻ em ngày xưa thường được theo bố mẹ đi du xuân trẩy hội và tham gia vào rất nhiều trò chơi dân gian theo phong tục từng vùng miền, như ném còn, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, nặn tò he. Hay thậm chí sau này một chút là những trò chơi như cá ngựa, ô ăn quan. Đây là những trò chơi mà bất cứ ai sống ở thập kỉ 7x, 8x, 9x đều được trải nghiệm,

Càng ngày, khái niệm “Tết” dường như đã nhạt đi phần nào trong tâm thức một số người. Nhắc đến Tết, nhiều người không còn cảm nhận không khí rạo rực, tươi vui. Phải chăng, gánh nặng cơm áo gạo tiền, sự ham vui với những món đồ công nghệ đã khiến chúng ta vô tình quên đi mình đã từng rất yêu Xuân, mong chờ Tết đến trong sự náo nức như thế nào? Hoài niệm về Tết xưa với hy vọng Tết nay dù thay đổi, nhưng người Việt sẽ vẫn giữ được “vị” của ngày Tết.

Ngọc Anh

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vị” của Tết xưa