Hiện cả nước có khoảng 2.000 bệnh nhân nặng, chỉ bằng 1/4 so với đỉnh dịch vào hồi tháng 3. Số bệnh nhân tử vong, trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua là 42 ca, giảm mạnh so với trước đó thường trung bình trên dưới 100 ca/ngày.
Kể từ 20/2 đến nay, số ca nhiễm mới trong nước đã giảm mạnh xuống mốc 50 nghìn ca vào ngày 3/4, là ngày có số ca mắc thấp nhất trong khoảng 1,5 tháng qua. Trung bình số ca mắc Covid-19 mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 75.319 ca/ngày. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 55,8%, số ca khỏi giảm 45,5%, số ca tử vong giảm 16,3%, số ca đang điều trị giảm 1.100,3%, và số ca nặng giảm 39,5%.
Theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Việt Nam đã đi qua đỉnh dịch và số ca nhiễm đang giảm mạnh. Khác với các lần trải qua làn sóng dịch trước khi Nhà nước thực hiện các biện pháp mạnh như giãn cách xã hội tốt nên dịch đi xuống, còn lần này, chúng ta đã đi qua đỉnh dịch một cách tự nhiên khi thực hiện bình thường mới với Covid-19.
“Mô hình dịch sẽ đi xuống được dự báo trong 2 tháng sau khi có biến thể Omicron xâm nhập. Ít nhất, tình hình dịch sẽ ổn định trong 2 tháng nữa, số ca mắc sẽ giảm”, PGS Dũng nói.
Chuyên gia này lý giải, đó là do hiện tượng giảm dần của miễn dịch tự nhiên sau một thời gian tiêm vaccine Covid-19. Khi đó, bệnh có thể lây truyền tăng trở lại. Điều này cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác.
Ảnh minh họa.
Theo ông Dũng, thời điểm này Việt Nam tương đối an toàn vì số ca nhiễm mới dù còn cao nhưng tỷ lệ tử vong đều thấp. Số ca tử vong tại Việt Nam chưa tới 1/20-1/30 của Hoa Kỳ.
Tranh thủ khi làn sóng dịch có chiều hướng đi xuống, các hoạt động xã hội, học tập và sản xuất kinh doanh nên đẩy nhanh hơn nữa việc mở cửa lại. Ngay cả các nhà trẻ, các trường mẫu giáo nên nhận học sinh trở lại; các trường học nếu chưa tiếp nhận học sinh nội trú nên tiếp nhận trở lại và cho các học sinh tham gia đầy đủ các hoạt động học tập chính khóa và ngoại khóa. Các hoạt động du lịch, sản xuất, kinh doanh nên tháo gỡ các hạn chế.
Tuy nhiên, để giảm tối thiểu lây nhiễm, mọi người không được coi thường việc tuân thủ quy định phòng dịch. Bởi vì khi càng nhiễm nhiều, càng tăng nguy cơ bệnh lý mới. Trước mắt, sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, vận động xã hội vì số F1 nhiều, làm giảm lực lượng lao động.
Bên cạnh đó, tỷ lệ bị hậu Covid-19 cũng gia tăng, khoảng 2/3 trong số đó sẽ có biểu hiện nhẹ nhưng 1/3 có thể nặng hơn khi nhiễm. Do đó, mọi người cố gắng tuân thủ để tránh bị nhiễm Covid-19. Nếu đã nhiễm rồi không được chủ quan, cần cố gắng giữ khoảng cách giữa các lần tái nhiễm càng xa nhau càng tốt vì tái nhiễm gần sẽ gây ra nguy cơ nặng hơn cho người bệnh.
Ngoài ra các biện pháp 5K như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người xa lạ, không tụ tập khi không cần thiết không chỉ giảm nguy cơ Covid-19 mà trên thực tế đã được chứng minh giảm các ca nhiễm cúm, cảm lạnh, hen suyễn, các cơn cấp bệnh phổi tắc nghẽ mạn tính và nhiều bệnh lý hô hấp khác. Việc khuyên người bệnh Covid-19 nên tự giác cách ly cũng là cần thiết như các bệnh lý truyền nhiễm như cúm, cảm lạnh, lao, thủy đậu, bệnh tay chân miệng.
“Tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 3.000 người nguy cơ cao chưa tiêm chủng. Bởi vậy, việc tăng cường tiêm chủng và cố gắng làm giảm tối đa gia tăng ca nhiễm để không lây cho các trường hợp nguy cơ cao này”, PGS Dũng nói.
Về việc có nên triển khai tiêm mũi 4 cho toàn dân hay không, ông Dũng cho rằng việc này sẽ tạo gánh nặng chi phí lớn cho Nhà nước. Do đó, chỉ nên tiêm mũi 4 cho người lớn tuổi, người có bệnh nền vì nhóm đó tiêm chủng giảm được 90% nguy cơ.
Chuyên gia này nhận định, sau làn sóng Omicron, Việt Nam có thể phải đối mặt với một làn sóng dịch mới khi có những biến thể mới xuất hiện.
“Chúng ta có thể có làn sóng dịch nhỏ trong 3 tháng nữa. Đây là nguyên tắc tự nhiên của các đợt dịch, luôn luôn có hiện tượng giảm theo chu kỳ. Sau 3-4 tháng khi miễn dịch tiêm chủng giảm đi, số người cảm nhiễm gia tăng, có khả năng tạo ra một làn sóng dịch mới. Làn sóng dịch sắp tới sẽ tăng số ca mắc, nhưng số tử vong và ca chuyển nặng thấp hơn bây giờ vì dù miễn dịch giảm, nhưng người dân vẫn được vaccine bảo vệ”, PGS Dũng cho hay.
Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, thế giới tiếp tục có sự xuất hiện của biến chủng mới, có khả năng lây lan mạnh hơn, vì thế không tránh được làn sóng mới có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. “Virus ngày càng tạo ra nhiều biến chủng hơn, hiền hơn nhưng tăng khả năng lây lan hơn”, bác sĩ Tiến nói.
Giang Anh