Việt Nam lên kế hoạch bảo vệ lâu dài loài voi trước đà suy giảm quần thể

Thanh Thanh|27/07/2024 15:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang lấy ý kiến rộng rãi về Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050.

Loài voi châu Á hoang dã đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt giống và chất dinh dưỡng, tạo đường mòn trong rừng rậm và thay đổi sinh cảnh rừng mang lại lợi ích của các loài động vật khác. Ngay cả dấu chân voi cũng tạo thành các hệ sinh thái nhỏ nơi có nhiều sinh vật cư trú.

Tuy nhiên, loài động vật to lớn này đang bị đe dọa trên toàn cầu, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc – nơi chỉ còn khoảng 8.000 - 11.000 cá thể voi hoang dã, phân bố ở tám quốc gia gồm Campuchia, miền Nam Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trong số các quốc gia trên, Việt Nam còn lại ít voi hoang dã nhất, ước tính chỉ có hơn 100 cá thể trên toàn quốc. Quần thể lớn nhất được tìm thấy ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

bao-ve-voi.jpg
Việt Nam lên kế hoạch bảo vệ lâu dài loài voi trước đà suy giảm quần thể

Những cá thể còn sót lại này đang phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa, trong đó có việc xung đột với con người. Sinh cảnh sống bị mất, suy thoái và phân mảnh, nguồn thức ăn bị thu hẹp, trở ngại di chuyển trong vùng cảnh quan càng làm cho tình trạng của chúng tồi tệ hơn.

Trước tình hình đó, Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 đã đặt rõ mục tiêu định hướng và hướng dẫn thực hiện các hành động ưu tiên đến năm 2035 thông qua các chiến lược về duy trì và phát triển quần thể, cá thể voi, đảm bảo bền vững, cải thiện môi trường sống, quản lý xung đột voi - người và nâng cao năng lực cho các bên liên quan để bảo tồn voi hoang dã. Bên cạnh đó, tăng cường phúc lợi và thúc đẩy gây nuôi sinh sản hướng tới phát triển bền vững cho voi nuôi nhốt.

Những nhiệm vụ cụ thể được đề xuất như: nâng cao hiểu biết về voi hoang dã, từ đặc điểm hình thái, cấu trúc đàn, hành vi và sức khỏe từng cá thể, xu hướng di chuyển thông qua việc giám sát voi bằng bẫy ảnh hoặc phân tích DNA từ mẫu phân.

Cùng với đó, triển khai một số giải pháp ngăn chặn các mối đe dọa đến sự suy giảm voi hoang dã như tăng cường tuần tra kiểm soát, loại bỏ các mối đe dọa đối với sự tồn tại của voi, thực hiện các hoạt động cứu hộ và tái thả voi hoang dã vào môi trường tự nhiên cũng như các biện pháp để ngăn chặn voi chết.

Duy trì và phát triển quần thể voi bằng việc xác định và thực hiện các biện pháp để duy trì sự tồn tại của các đàn voi hiện có, nếu có thể áp dụng các biện pháp bảo tồn và phát triển quần thể, cá thể.

Thực hiện cải thiện môi trường sống của voi bằng việc ngăn chặn các hành động xâm hại, phá hoại vùng sinh cảnh của voi, thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng sinh cảnh sống cho voi, đồng thời xác định và mở rộng diện tích sinh cảnh dựa trên bằng chứng khoa học về diện tích voi sử dụng.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được đề cập là giảm thiểu xung đột voi - người hướng tới mục tiêu thúc đẩy chung sống hài hòa, cụ thể như nâng cao hiểu biết về xung đột voi - người cũng như nguyên nhân dẫn đến xung đột. Triển khai ngăn chặn và giảm thiểu xung đột voi - người thông qua các biện pháp đảm bảo an toàn cho cả người và voi, hạn chế các thiệt hại do xung đột voi - người gây ra.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng đề ra một số giải pháp sẽ được thực hiện như xây dựng cơ chế chính sách về bảo tồn và phát triển quần thể, cá thể voi, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan, đặc biệt là nhóm cộng đồng địa phương. Tổ chức tổng kết công tác nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, làm cơ sở xây dựng các giải pháp bảo tồn phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tiễn ở địa phương. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn voi cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam lên kế hoạch bảo vệ lâu dài loài voi trước đà suy giảm quần thể