Việt Nam lên kế hoạch kích cầu du lịch nội địa sau dịch Covid-19

Lê Mai (t/h)|08/05/2020 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sau những ngày khó khăn do dịch bệnh, các hãng bay lên kế hoạch tăng tần suất và khai thác, phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa, kích cầu du lịch, giảm giá nhưng không giảm chất lượng.

“Khởi động lại” sau đại dịch

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, cả thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có cả về cả phương diện sức khỏe lẫn kinh tế xã hội, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dịch Covid-19 tác động tới ngành du lịch ở quy mô toàn cầu khi phần lớn các quốc gia áp dụng hạn chế đi lại, các hãng hàng không dừng hoạt động, các đường bay quốc tế, các cơ sở lưu trú cũng phải đóng cửa.

Đến ngày 21/4/2020, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ban hành quy định hạn chế đi lại để đối phó với đại dịch, 97 quốc gia tuyên bố đóng cửa toàn bộ hoặc một phần biên giới quốc gia là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Có sự chuẩn bị ngay từ đầu khi dịch vừa xuất hiện, du lịch Việt nam đã có chuẩn bị các biện pháp đối phó, kích cầu sau dịch. Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết, “Quan trọng nhất hiện nay là khách trong nước, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam là hay nhất. Chúng ta không thể biết rằng 1 tháng hay 2 tháng nữa các đường bay quốc tế mới được mở lại để đón khách quốc tế”.

Bên cạnh việc phát triển trở lại thị trường nội địa, ngành Du lịch luôn đề cao nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các điểm đến du lịch.

Ông Việt dẫn chứng, khi dịch SARS bùng phát, các khách sạn hạng sang ở TP. HCM chỉ toàn là nhân viên, 200-300 nhân viên phục vụ chỉ 6-7 khách lèo tèo. Nhưng khi thế giới công bố kiểm soát được dịch thì sau 3 tháng các khách sạn này cũng dần dần hoạt động trở lại. Còn trong dịch Covid-19, nhiều khách sạn cũng đóng cửa nhưng đã chuẩn bị tâm thế mở cửa trở lại.

Ông Việt cho rằng, kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa rồi, các gia đình vẫn đi Nha Trang, Đà Lạt hay nghỉ dưỡng ở các resort vì khách tin rằng đã được an toàn. Đây chính là một trong những cơ sở để phục hồi du lịch.

“Việt Nam có 100 triệu dân, các doanh nghiệp trong nước cần ngồi lại bàn để làm sao phục vụ được họ, khuyến khích 100 triệu dân đi du lịch ngay trong chính Việt Nam”, ông Việt nêu ý kiến.

Khôi phục thị trường nội địa là mục tiêu trước mắt

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, mục tiêu trước hết của ngành là khôi phục thị trường nội địa, đồng thời tính toán tới thị trường quốc tế.

Theo ông, trong giai đoạn cả nước phòng, chống dịch bệnh, hoạt động du lịch phải gắn liền với tính an toàn. Đây cũng là thời điểm những vùng không dịch như Tây Bắc, đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ… đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch.

Ông Thọ cho rằng, đối với khách nội địa, ngành du lịch cần tạo các sản phẩm tour du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày để giảm di chuyển. Đặc biệt không nên tổ chức chương trình du lịch liên tỉnh, xuyên Việt mà tập trung vào một địa phương.

Khác với các chương trình kích cầu du lịch từng vùng trước đây, giữa tháng 5, liên minh kích cầu cần mở rộng trên toàn quốc. Về phía Nam, cần triển khai sớm du lịch đồng bằng sông Cửu Long để phát triển đồng bộ với các địa phương khác trên cả nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thêm ở khu vực Đông Nam Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai…

Ở miền Bắc, Hiệp hội tập trung tới các sản phẩm tour theo dải ven biển, kéo dài từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ngoài ra là các tỉnh Tây Bắc và vòng cung Đông Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên… với điểm mạnh 2 công viên địa chất toàn cầu.

Về phía du lịch miền Trung, trung tâm của đợt kích cầu là Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế. Ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cần mở rộng tới Kon Tum và Đắk Nông, bên cạnh 4 tỉnh đã được các doanh nghiệp lữ hành phát triển tour trong lần kích cầu đợt một vào tháng 2.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, các hiệp hội cần chung tay để thúc đẩy du lịch. Cụ thể, hiệp hội lữ hành, khách sạn có thể kết hợp cùng hàng không tạo ra những sản phẩm du lịch giảm giá nhưng không giảm chất lượng, hoặc giữ nguyên giá nhưng tăng thêm dịch vụ, để thu hút du khách. Chính quyền địa phương cần tổ chức họp và thống nhất với các khu du lịch, điểm tham quan để giảm giá vé.

“Đây là cuộc cạnh tranh, nếu địa phương này làm không tốt, khách sẽ đến với địa phương khác nên điểm đến cần tạo hình ảnh thân thiện nhất với du khách”, ông Bình nhấn mạnh.

Lê Mai (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam lên kế hoạch kích cầu du lịch nội địa sau dịch Covid-19