Việt Nam sẽ có thêm 8-10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 về trong tháng 7

Hà An|02/07/2021 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 2/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến trong tháng 7/2021, có từ 8-10 triệu liều vắc xin sẽ về Việt Nam qua cơ chế Covax và các hợp đồng đã ký.

Sáng 2-7, Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc do Bộ Y tế vừa thành lập đã tổ chức cuộc họp đầu tiên.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho biết: “Thời điểm này, nguồn cung vaccine COVID-19 vẫn còn khan hiếm, cao điểm vaccine về Việt Nam sẽ vào quý 4/2021. Dự kiến trong tháng 7/2021, sẽ có khoảng 8 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam”.

Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh minh họa

Với nguồn cung vaccine về Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới và số điểm tiêm được triển khai trên toàn quốc khoảng 19.000 điểm, Bộ Y tế sẽ huy động toàn bộ ngành y tế (kể cả y tế các bộ ngành và y tế tư nhân) để đảm bảo tốc độ tiêm những tháng cuối năm.

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đặt mục tiêu tới cuối năm 2021, đầu năm 2022, khoảng 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng vắc xin Covid-19. Muốn vậy, Việt Nam cần triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử ngành Y tế trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng (Y tế, Quốc phòng, Công an, các bộ, ngành, địa phương…). Dự kiến, lễ phát động chiến dịch tiêm chủng này sẽ được tổ chức tại Bộ Quốc phòng.

Cũng tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo dự thảo kế hoạch, thời gian triển khai chiến dịch tiêm chủng diễn ra từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022. Trong năm 2021, nước ta sẽ triển khai tiêm tối thiểu cho 50% người từ 18 tuổi trở lên. Đến hết quý 1-2022, sẽ có trên 70% dân số được tiêm vắc xin.

Theo ông Đặng Quang Tấn, chiến dịch được triển khai trên toàn quốc, trong đó ưu tiên các tỉnh, thành phố đang có dịch, có nhiều khu công nghiệp. Trong tỉnh, thành phố, ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng ở vùng đang có dịch; các nơi có nguy cơ (như có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư, có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế…)

Chiến dịch tiêm chủng lần này có điểm khác là công tác điều hành mọi quy trình tiêm chủng được thực hiện trực tuyến (online), quản lý bằng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp quản lý công khai, minh bạch mọi hoạt động tiêm chủng.

Về vấn đề đảm bảo an toàn tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị các địa phương ngay từ bây giờ phải kiện toàn các đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm khi cần. Cơ sở điều trị tổ chức tiêm cho đối tượng cần theo dõi đặc biệt, nhất là những bệnh nhân có bệnh nền…

Theo Tiểu ban An toàn tiêm chủng của Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, cần sàng lọc trước, lập danh sách tiêm ngay từ bây giờ để phân loại trường hợp nào tiêm ở điểm lưu động, trường hợp nào tiêm ở bệnh viện. Những công tác này cần được thực hiện để sẵn sàng triển khai ngay khi vắc xin về nước.

Hà An

Bài liên quan
  • Bổ sung dinh dưỡng sau khi tiêm vaccine COVID-19
    Moitruong.net.vn –  Tùy cơ địa của mỗi người mà khi tiêm vắc xin sẽ có mức độ phản ứng khác nhau. Nhưng dù phản ứng ở mức độ nào, mỗi người đều cần bổ sung dinh dưỡng đúng – đủ để cơ thể nhanh hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ có thêm 8-10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 về trong tháng 7