Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với chiến lược tổng thể và toàn diện này, Việt Nam mong muốn tạo được đột phá trong phát triển kinh tế và quản lý biển đảo.
Việt Nam có đường bờ biển trải dài từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang, khoảng 3.260km. Các huyện ven biển chiếm 17% tổng diện tích cả nước và là nơi sinh sống của hơn 1/5 dân số toàn quốc. Biển không chỉ đem lại vị trí chiến lược mà còn là tiềm năng phát triển kinh tế dồi dào như du lịch, khoáng sản.
Phát triển kinh tế biển
Chính vì vậy, Nghị quyết số 36/NQ-TW đã chỉ rõ mục tiêu phát triển biển của nước ta là đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Hình thành văn hóa sinh thái biển. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đồng thời, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực. Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Về kinh tế biển, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước. Kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 – 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế. Kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Theo đó, chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước, thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,2 lần trở lên. Các đảo có người dân sinh sống, hạ tầng kinh tế – xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục.
Đối với khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển phải tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao.
Đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ thể chế, cơ chế chính sách, cho phát triển kinh tế biển. Cơ cấu lại tổng thể các ngành kinh tế biển theo hướng liên kết chặt chẽ các ngành, gắn kết phát triển các ngành kinh tế với phát triển các vùng, trung tâm kinh tế biển, doanh nghiệp biển. Xây dựng và mở rộng các mô hình quản lý tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, như tổ chức khai thác biển tập trung liên kết các khâu gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, mô hình hợp tác sản xuất trên biển. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội cho một số địa phương, địa bàn được xác định đóng vai trò trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Áp dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực hiện các mục tiêu của Chiến lược biển quốc gia, nhất là chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế của biển Việt Nam.
Bảo đảm các nguồn lực, tập trung đầu tư để thực hiện Chiến lược biển, nhất là định hướng phát triển khoa học – công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển. Tiếp tục đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên biển. Tăng cường hợp tác quốc tế về biển.
Coi trọng và tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch, nghiên cứu dự báo trong triển khai thực hiện Chiến lược biển.
Minh Anh (T/h)