Mỗi năm, gần 1/3 dân số thế giới phải hứng chịu những đợt nắng nóng chết người kéo dài hơn 20 ngày. Các hoạt động làm mát giúp giảm các vấn đề sức khỏe do nắng nóng, đồng thời, đóng vai trò thiết yếu trong một số lĩnh vực quan trọng khác như bảo quản, phân phối thực phẩm hay phân phối vắc xin.
Tuy nhiên, hoạt động làm mát thông thường, chẳng hạn như sử dụng điều hòa không khí, lại gây phát thải hơn 7% khí nhà kính toàn cầu và là một trong nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Nếu không được quản lý, nhu cầu năng lượng để làm mát không gian sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, kéo theo làm tăng phát thải khí nhà kính. Con người càng làm mát thì Trái đất sẽ càng nóng lên.
Thông tin mới được Cơ quan Theo dõi Biến đổi Khí hậu, Liên minh châu Âu đưa ra ngày 6/9, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong các tháng 6, 7 và 8/2023 là 16,77 độ C, vượt mức kỷ lục trước đó là 16,48 độ C ghi nhận năm 2019. Theo Cơ quan Thời tiết Nhật Bản, nhiệt độ trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2023 "cao hơn đáng kể" so với mức trung bình tại khu vực miền Bắc, miền Đông và miền Tây đất nước. Trong khi đó, Australia đang trải qua mùa Đông “ấm” kỷ lục, với nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua là 16,75 độ C.
Phát biểu tại lễ công bố, bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh, các quốc gia phải hành động ngay để đảm bảo lĩnh vực làm mát tăng trưởng theo hướng phát thải thấp. Các giải pháp đã sẵn có, tập trung vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Triển khai làm mát bền vững sẽ đem lại cơ hội ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu người và tiết kiệm khoản tài chính khổng lồ.
Cam kết đưa ra mục tiêu, lĩnh vực làm mát toàn cầu phải giảm ít nhất 68% phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với năm 2022, nhằm góp phần giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C và phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng “0” đến năm 2050.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hiện nay có khoảng 38% dân số sinh sống ở khu vực đô thị. Nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát ở Việt Nam tăng đáng kể trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy, làm mát không bền vững sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị và làm gia tăng phát thải khí nhà kính.
Thực hiện quản lý hiệu quả lĩnh vực làm mát nhằm hạn chế sự rò rỉ các chất gây phát thải khí nhà kính môi trường, kết hợp với giải pháp về làm mát bền vững, thân thiện với khí hậu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí điện năng. Việc thay đổi công nghệ làm mát cũng giúp các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, hộ gia đình của Việt Nam nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội
Việc Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu là cơ hội để triển khai các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững. Cụ thể như chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên… phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này cũng góp phần thực hiện các điều ước quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Nội dung Cam kết làm mát toàn cầu phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.