Ngày 30/11 vừa qua, tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã chính thức khởi động quỹ bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Với chủ đề "Gắn kết-hành động-hiệu quả," Hội nghị COP28 đã khai mạc ngày 30/11 và dự kiến kéo dài đến ngày 12/12. Đây là cơ hội quan trọng để các chính phủ thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu.
Được nhất trí trong một thỏa thuận mang tính bước ngoặt tại Hội nghị COP27 ở Sharm el-Sheikh năm 2022, quỹ trên đã chính thức được khởi động trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị COP28 ở Dubai sau các cuộc đàm phán căng thẳng về các cơ chế của quỹ. Theo thỏa thuận, quỹ sẽ tạm thời được đặt tại Ngân hàng Thế giới (WB).
Chủ tịch COP28 thông báo UAE cam kết góp 100 triệu USD cho quỹ trên. Một số nước khác cũng đã cam kết góp quỹ. Cụ thể, Đức góp 100 triệu USD, Mỹ góp 17,5 triệu USD, Anh góp 60 triệu bảng (75,88 triệu USD) và Nhật Bản góp 10 triệu USD.
Theo đó, một số quốc gia đã ngay lập tức thể hiện cam kết của mình đối với Quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, trong đó có khoản tài trợ 100 triệu USD từ nước chủ nhà và Đức.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến Quỹ này vẫn chưa được giải quyết, chẳng hạn như quy mô của nó, ai sẽ là người quản lý, viêc phân chia thực tế sẽ như thế nào. Những vấn đề này đều đang kỳ vọng được giải quyết trong 2 tuần tới đây của COP28.
Các quốc gia đang phát triển từ lâu đã tìm cách giải quyết vấn đề thiếu kinh phí để ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính, các quốc gia này sẽ cần tới hơn 300 tỷ USD mỗi năm nếu muốn thích ứng với những thay đổi khốc liệt của khí hậu.