Việt Nam thiệt hại khoảng 12 tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí

Lê An (t/h)|15/01/2020 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), ô nhiễm không khí tại Việt Nam không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà gây ra thiệt hại về kinh tế từ 10,8 – 13,2 tỉ USD, chiếm gần 5% GDP cả nước.

Sáng 14/1, tại tọa đàm về tổn thất kinh tế do ô nhiễm không khí do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ở Hà Nội, PGS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân, công bố kết quả nghiên cứu định lượng thực hiện 10 năm qua.

Theo đó, năm 2018, 71.000 người chịu tác động của ô nhiễm môi trường, trong đó 50.000 người tử vong vì ảnh hưởng bởi không khí độc hại. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ở thời điểm này ước tính 10,82-16,63 tỷ USD, tương đương 240.000 tỷ đồng, chiếm 4,45-5,64% GDP cả nước.

Nói thêm về thiệt hại này, vị chuyên gia cho biết thế giới chia tổn thất kinh tế do ô nhiễm không khí thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là thiệt hại hữu hình có thể nhìn thấy và ước tính, quy đổi ra con số như chi phí khám sức khỏe, mua máy lọc không khí.

Bầu trời Hà Nội mờ mịt bụi mịn.

Nhóm thứ 2 nguy hiểm hơn, là những thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật, năng suất lao động, số người tử vong mỗi năm. Ô nhiễm không khí cũng khiến hình ảnh của đất nước xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhắc đến các nguyên nhân gây nên ô nhiễm không khí nhìn từ góc độ kinh tế, TS Trường cho biết việc này có thể xuất phát từ việc sử dụng tài nguyên của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 90% năng lượng và không hề thay đổi nhiều theo thời gian. Đặc biệt, tiêu thụ than ở Việt Nam trước đây chiếm 36% thì bây giờ ngày càng tăng.

Nguyên nhân thứ ba là thứ bậc thấp trong phân công lao động quốc tế. Hiện nay các nước đã phát triển chiếm vị trí cao trong chuỗi giá trị. Những hoạt động sản xuất chế biến, chế tạo gây ô nhiễm được đẩy về Việt Nam.

Cũng tại tọa đàm, PSG-TS Đinh Đức Trường cho biết, Trung tâm Luật và Chính sách môi trường, Đại học Yale (Mỹ) hàng năm đều đưa ra chỉ số EPI đây là chỉ số tổng hợp để đánh giá vị trí về chất lượng môi trường của các nước trên thế giới. Chỉ số này EPI công bố hàng năm để xếp hạng các quốc gia trên thế giới.

Theo công bố năm 2018, Việt Nam có chỉ số EPI xếp thứ 132/180. Trước đó năm 2012, chỉ số EPI của VN xếp 79/132; năm 2016 là 131/178 quốc gia.

Cũng theo PGS-TS Trường, trong chỉ số EPI gồm 10 chỉ số thành phần được xếp thành 2 nhóm, nhóm thứ nhất là sức khỏe môi trường và nhóm thứ hai là chỉ số bền vững của hệ sinh thái. Đây là những chỉ số liên quan đến ô nhiễm không khí là chất lượng của môi trường không khí và mức độ ô nhiễm không khí. Nếu xếp hạng ở các chỉ số liên quan đến ô nhiễm không khí thuộc hai nhóm chỉ số này thì năm 2018 Việt Nam đang xếp ở 159 – 161 trên thế giới.

“Các chỉ số này cho thấy, nếu so sánh với chính chúng ta thì chất lượng môi trường không khí Việt Nam đang tụt hậu và nếu so sánh với thế giới thì Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có thứ bậc thấp về chất lượng môi trường không khí”, PGS-TS Trường nói.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam từ nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây. Năm 2019, xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng với tần suất ô nhiễm tăng đáng kể.

Ô nhiễm không khí diễn ra liên tục ở Hà Nội suốt từ cuối tháng 8 đến nay với nhiều đợt ô nhiễm dài ngày, có thời điểm lên ngưỡng nguy hại-ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa thực hiện kiểm kê khí thải để xác định chính xác vai trò của từng nguồn ô nhiễm.

Một số giải pháp cấp bách đã được thành phố đề ra như rửa đường trong những ngày ô nhiễm, ban hành lộ trình cấm đốt than tổ ong hay cho phép học sinh nghỉ học trong những ngày ô nhiễm lên ngưỡng nguy hại.

Lê An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thiệt hại khoảng 12 tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí