Việt Nam thuộc khu vực có nguy cơ cao xảy ra sóng thần

Trúc Lâm (t/h)|27/12/2018 01:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Đối với Việt Nam, lịch sử chưa ghi nhận sóng thần, tuy nhiên, nguy cơ cao xảy ra sóng thần tại Việt Nam do đứt gãy tại khu vực máng biển sâu Manila (Philippines). 

>>> Mỹ định lập phòng thí nghiệm sinh học ở Crimea

>>> Vinmart+ lập kỷ lục khai trương 117 cửa hàng trong ngày cuối năm

Động đất vào ngày 22/12/2018 vừa qua ở Indonesia làm gần 400 người thiệt mạng

Sáng nay, 26/12, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tổ chức buổi diễn tập “ Cơ chế vận hành hệ thống cảnh báo thiên tai trong tình huống có sóng thần”.

Thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho thấy, thời gian qua, trên thế giới đã xảy ra nhiều trận động đất, sóng thần gây hậu quả rất nghiêm trọng, điển hình như trận động đất gây sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản làm 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản. Thiệt hại khoảng 309 tỷ USD.

Ngày 28/9/2018 một trận động đất có độ lớn 7,5 đã gây ra sóng thần (cao nhất 11,3m) làm chết hơn 2.000 người và khoảng 5.000 người không rõ tung tích và gây ảnh hưởng khoảng 200 ngìn người khu vực đảo Sulawesi, Indonesia. Thiệt hại ban đầu khoảng 500 triệu USD.

Mới đây, vào lúc 21h30, ngày 22/12/2018 một trận sóng thần tấn công khu vực đảo Java và Sumatra, Indonesia làm khoảng 373 người chết và hơn 1.400 người bị thương, phá hủy hàng trăm ngôi nhà. Nguyên nhân của trận sóng thần này có thể do núi lửa Anak Kraktau đang hoạt động tại eo biển Sunda gây ra.

Đối với Việt Nam, lịch sử chưa ghi nhận sóng thần, tuy nhiên, nguy cơ cao xảy ra sóng thần tại Việt Nam do đứt gãy tại khu vực máng biển sâu Manila (Philippines). Nếu xảy ra sóng thần, thời gian ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng 2 tiếng, các vùng biển nguy cơ cao bị ảnh hưởng gồm 13 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Giám đốc Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh, quy trình cảnh báo tin sóng thần hiện nay là hợp lý song cần hướng dẫn cụ thể hơn cho các tàu thuyền ra khơi; xem xét điều chỉnh sự phối hợp thông tin giữa các đơn vị cảnh báo sóng thần chặt chẽ hơn.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, nội dung bản tin cần quyết liệt hơn để các cấp, các ngành và người dân chủ động, cụ thể nói rõ cụ thể thời gian, địa điểm, cấp độ rủi ro sóng thần sẽ tấn công để có phương án ứng phó với mọi tình huống. Trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan tại địa phương để triển khai kịp thời.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao, trong đó giai đoạn 1 sẽ thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam. Đến nay, dự án đã xây dựng hoàn thành 51 trạm trong đó Đà Nẵng có 30, Quảng Nam có 21.

Trúc Lâm (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thuộc khu vực có nguy cơ cao xảy ra sóng thần