VINGROUP trao tặng 1.700 máy thở xâm nhập và hoá chất cho 56.000 xét nghiệm Covid -19

An Nhiên|07/08/2020 13:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong vòng 1 tuần, kể từ ngày 7/8/2020, 1.700 máy thở xâm nhập đợt 1 gồm 1.500 máy VFS-410 và 200 máy VFS-510 sẽ được Vingroup bàn giao dần cho Bộ Y tế.

Ngày 7/8 Tập đoàn Vingroup đã bàn giao lô máy thở đầu tiên cho Bộ Y tế, đồng thời tặng hóa chất thực hiện 56.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (Real Time – PCR) cho Đà Nẵng, Hải Phòng và Bắc Ninh.

GS Đỗ Tất Cường, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec, đại diện Tập đoàn Vingroup trao tặng máy thở cho quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Kế hoạch trao tặng máy thở nằm trong công bố tặng 5.000 máy thở không xâm nhập VFS-310 cho Bộ Y tế ngày 3/4/2020 của Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu từ Bộ Y tế, Vingroup đã đồng ý chuyển gói tài trợ 5.000 máy thở không xâm nhập VFS-310 thành 3.000 máy thở xâm nhập VFS-410.

Cùng với việc chuyển đổi sang máy VFS-410, Vingroup quyết định tặng thêm 200 máy thở xâm nhập VFS-510 cho Bộ Y tế nhằm tăng cường khả năng chống dịch Covid-19.

Theo kế hoạch trong vòng 1 tuần, kể từ ngày 7/8, 1.700 máy thở xâm nhập đợt 1 gồm 1.500 máy VFS-410 và 200 máy VFS-510 sẽ được Vingroup bàn giao dần cho Bộ Y tế.

Vsmart VFS-410 và VFS-510 là hai mẫu máy thở xâm nhập “made in Việt Nam”, được phát triển và sản xuất hoàn toàn từ hệ sinh thái Vingroup, với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 70%. Trong đó, VFS-410 là mẫu máy do Vingroup phát triển chủ động, dựa trên công nghệ tạo khí bằng turbin, có tính năng tương đương với các máy thở xâm nhập lưu động cao cấp trên thị trường. VFS-510 được phát triển từ mẫu máy PB560 của nhà sản xuất máy thở hàng đầu thế giới Medtronic (Mỹ), đang được sử dụng phổ biến ở các cơ sở y tế. Cả hai mẫu máy thở xâm nhập trên đều đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Với công năng và chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, VFS-410 và VFS-510 không chỉ đáp ứng kịp thời cho nhu cầu điều trị dịch Covid-19 trước mắt; mà còn có thể tiếp tục sử dụng trong các khoa hồi sức cấp cứu (ICU), mang lại giá trị và hiệu quả dài hạn. Đặc biệt, với ưu điểm nhỏ, gọn, VFS-410 có thể được trang bị cho các xe cấp cứu hoặc các trường hợp cấp cứu tại hiện trường, các bệnh viện.

Đại diện Tập đoàn Vingroup trao tặng Bộ Y tế 3.000 máy thở Vsmart VFS-410 và 200 máy thở Vsmart VFS-510.

Đồng thời Tập đoàn Vingroup đã đề xuất tặng hóa chất để thực hiện 56.000 xét nghiệm chẩn đoán phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật sinh học phân tử (Real Time – PCR) cho Đà Nẵng, Hải Phòng và Bắc Ninh. Trong đó, hóa chất cho 50.000 xét nghiệm sẽ được vận chuyển nhanh chóng đến tâm dịch Đà Nẵng, hóa chất cho 6.000 xét nghiệm còn lại chia đều cho Hải Phòng và Bắc Ninh. Tổng giá trị tài trợ hóa chất xét nghiệm lên tới gần 35 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng cũng cam kết tiếp nhận mẫu từ CDC Đà Nẵng để thực hiện xét nghiệm với công suất tối đa là 500 test/ngày. Thời gian thực hiện từ ngày 8/8 – 22/8/2020.

Phát biểu về việc liên tiếp hỗ trợ cộng đồng phòng chống đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết:“Là một doanh nghiệp Việt, chúng tôi tự đặt cho mình trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Cho dù là máy thở, trang thiết bị y tế, bộ kit xét nghiệm, hóa chất sinh phẩm hay y bác sỹ…. bất cứ yêu cầu nào Vingroup có thể đáp ứng trong khả năng và phạm vi của mình – chúng tôi đều sẽ nỗ lực ở mức cao nhất”.

An Nhiên 

Bài liên quan
  • Vingroup tặng 1.000 máy thở cho Nga, Ucraina và Singapore
    Moitruong.net.vn – Ngày 10/7/2020, tập đoàn Vingroup đã hoàn tất việc trao tặng máy thở cho Singapore và trao tặng đợt 1 cho Nga và Ucraina. Tổng lô đầu tiên là 1.000 máy thở xâm nhập Vsmart VFS-510 do Vingroup sản xuất phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ công tác điều trị dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại các quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
VINGROUP trao tặng 1.700 máy thở xâm nhập và hoá chất cho 56.000 xét nghiệm Covid -19
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.