Thực hiện Quyết định 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2006 – 2019, tỉnh Vĩnh Long triển khai Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (viết tắt NS-VSMTNT).
Chương trình nhằm tạo cơ chế tín dụng để thực hiện Chiến lược quốc gia về NS-VSMTNT đến năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hộ dân, tổ chức được vay vốn để xây dựng các công trình gồm: hố xí hoặc hố xí kèm bể biogas, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; xử lý nước thải, rác thải khu vực làng nghề nông thôn.
Trạm cấp nước sạch xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006 – 2019, tỉnh đã cho 116 nghìn lượt hộ vay với số vốn 1.061 tỷ đồng để xây dựng 210 nghìn công trình NS-VSMTNT. So với trước năm 2006, toàn tỉnh chỉ có khoảng 80 – 90 nghìn hộ được vay và khoảng 120 nghìn công trình.
Năm 2005, trước khi thực hiện chương trình toàn tỉnh chỉ có khoảng 10 nghìn hộ dân nông thôn sử dụng nước qua trạm cấp nước, đạt 5,56%. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ đạt 25%. Năm 2006, con số này là 24.740 hộ (đạt 20%) và tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 38%.
Nhưng đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 99,2% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn là 87,9%. Tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn có nhà tiêu 82,97%. Tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh đạt 65,30% và 100% số trường học mầm non, phổ thông và 100% số trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh sử dụng tốt…
Năm 2020, từ các nguồn vốn do tỉnh đầu tư, Vĩnh Long có thêm 9.936 hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung, nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn toàn tỉnh lên 92,13%, tương đương 206.823 hộ.
Đến nay, Chương trình tín dụng NS-VSMTNT đạt được nhiều hiệu quả đáng kể. Nhất là góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh và nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện điều kiện sống, sức khoẻ và môi trường ở nhiều vùng nông thôn… Đồng thời, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Về hiệu quả kinh tế, với việc vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các mô hình cấp nước sạch như: xây bể chứa nước, lu chứa nước… đã giúp cho các hộ gia đình được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, giảm bớt khó khăn hằng ngày khi đi lấy nước rất xa khu dân cư.
Nhiều nơi ở vùng hạn hán nặng, vùng bị nhiễm phèn, vùng bị xâm ngập mặn, người dân không phải mua nước sinh hoạt với giá rất cao, đã giúp các hộ gia đình ở các khu vực này có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế.
Chương trình góp phần hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường ở tất cả mọi nơi, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; xóa bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, của đồng bào dân tộc; hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị, giữa các vùng nông thôn với nhau.
Với việc xây dựng được hơn 106.000 công trình vệ sinh như: nhà tiêu hoặc nhà tiêu kèm bể biogas, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và xử lý nước thải, rác khu vực nông thôn… đã góp phần làm cho môi trường nông thôn, các khu vực công cộng, khu vực làng nghề sản xuất được cải thiện đáng kể, cảnh quan và môi trường “xanh – sạch – đẹp” đang xuất hiện ở nhiều xã, nhiều ấp…
Hoàng Minh