Điều này đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh cần có những giải pháp hữu hiệu, quan tâm đến công tác thu gom và xử lý rác thải hơn nữa để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng phức tạp.
Dọc các chân núi, đồi của vùng ngoại thành thành phố Phúc Yên, trên các bờ kênh, mương ở nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, rác thải được đổ tràn lan gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Tình trạng này khiến nhiều nơi bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến dòng chảy, chất lượng nước; không ít ao, hồ… nước ngả màu đen và bốc mùi hôi nồng.
Xã hiện có 3 bãi rác thải tập trung tại các thôn: Yên Thượng với diện tích 500 m2, thôn Ngọc Thạch với diện tích 1.000 m2 và thôn Phương Lâu, diện tích 500 m2. Mỗi năm, toàn xã thu gom khoảng 1.850 tấn rác thải các loại, hiện cả 3 bãi rác thải tập trung của xã đều đã đầy.
Riêng bãi rác thôn Yên Thượng đang trong tình trạng quá tải cần vận chuyển đi nơi khác xử lý. Xã có 7 tổ vệ sinh môi trường với 30 thành viên, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải được thực hiện 3 lần/tuần.
Điển hình như đầm Vạc, đây là một đầm tự nhiên có từ lâu đời thuộc khu Trung tâm thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc rộng hàng trăm ha, vài năm qua bị ô nhiễm do rác thải, nước thải…
Trước thực trạng trên, có ý kiến cho rằng, chính quyền và ngành chức năng yếm kém trong công tác bảo vệ môi trường, trong khi đó, người dân thiếu ý thức, đổ chất thải, rác thải ra môi trường tràn lan đã làm cho các ao, hồ, đầm trên địa bàn ô nhiễm nghiêm trọng.
Để hạn chế tình trạng trên, gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các địa phương không đổ rác thải, chất thải xuống các kênh, mương, ao hồ….Tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh xây dựng phương án lắp đặt hệ thống lưới chắn rác.
Việc lắp đặt hệ thống lưới chắn rác này nhằm phân rõ trách nhiệm trong công tác quản lý của chính quyền địa phương nơi có dòng kênh chảy qua và để tránh tình trạng các xã, thị trấn đùn đẩy và trốn tránh trách nhiệm đã để tình trạng người dân vứt rác xuống kênh…
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính tình huống, tạm thời. Việc thu gom và xử lý rác thải vẫn cần có những giải pháp đồng bộ, đầu tư công nghệ hiện đại, có công suất phù hợp, đáp ứng được lượng rác toàn tỉnh thải ra mới đáp ứng được các yêu cầu.
Huyện Tam Dương mỗi ngày có khoảng hơn 70 tấn rác thải. Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã bố trí được đội ngũ thu gom rác thải nhưng tỷ lệ thu gom chỉ ước đạt 60%.
Những năm gần đây, sản xuất công nghiệp phát triển nhanh ở huyện Bình Xuyên, người lao động khắp nơi về đây kiếm việc làm, lượng rác thải cũng tăng theo. Mỗi ngày huyện Bình Xuyên có hàng chục tấn rác thải sinh hoạt và khoảng 80 tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, công tác thu gom và xử lý các loại rác thải trên địa bàn huyện Bình Xuyên còn nhiều tồn tại, hạn chế. Bình Xuyên có 6 lò đốt rác thải quy mô cấp xã có công suất khoảng 500kg/giờ tại 4 xã: Thiện Kế, Bá Hiến, Quất Lưu, Tam Hợp và thị trấn Hương Canh nhưng chi phí vận hành cao hơn so với phương pháp đốt thông thường nên lò hoạt đồng không thường xuyên…
Theo số liệu thống kê, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện khoảng 830 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị khoảng 180 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 650 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom rác ở đô thị đạt khoảng 92%; khu vực nông thôn đạt khoảng 71%.
Rác thải được đổ tràn lan gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan ở Vĩnh Phúc
Hiện nay, rác thải sinh hoạt được xử lý chủ yếu theo hình thức chôn lấp tại các bãi rác tạm ở khu vực nông thôn. Nhiều bãi rác thải trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng quá tải. Việc mở rộng hoặc tìm địa điểm chôn lấp mới gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí đầu tư và người dân địa phương không đồng thuận.
Địa bàn tỉnh vẫn còn một số bãi chôn lấp rác được hình thành theo kiểu tự phát, chưa được quy hoạch, không đạt các tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.
Khó khăn lớn nhất trong công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường hiện nay vẫn là ý thức của người dân. Ở khu vực nông thôn, ý thức, thói quen sinh sống của người dân còn lạc hậu, tập quán chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ, tự do, tùy tiện còn phổ biến. Thói quen đổ rác thải, xác động vật chết bừa bãi ven đường làng, bờ sông, ao, hồ, kênh, mương đã ăn sâu vào trong lối sống của một bộ phận người dân và rất khó để thay đổi.
Trong khi đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm.
Để khắc phục những khó khăn trong xử lý rác thải, tỉnh Vĩnh Phúc đang quy hoạch, giải phóng mặt bằng xây dựng bãi rác quy mô lớn tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Đây là địa điểm được coi là phù hợp khoảng cách an toàn môi trường, hướng gió, tuyến đường vận chuyển rác… nhưng chưa được nhân dân địa phương đồng thuận, ủng hộ.
Việc lựa chọn địa điểm để triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt (bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác thải) gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự đồng thuận của người dân khu vực.
Bên cạnh đó, việc mở rộng hoặc tìm địa điểm mới để tập kết, chôn lấp tạm tại các bãi rác của các địa phương không thể thực hiện được do không còn quỹ đất, trong khi các bãi rác hiện có đã quá tải.
Ngọc Ánh (t/h)