Vượt qua “cơn sóng” Covid-19, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu

Tuấn Hưng|03/01/2022 05:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Bắc Ninh không chỉ đứng đầu cả nước về sản xuất công nghiệp mà còn dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, ước đạt hơn 84 tỷ USD, duy trì trong top 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với một năm bộn bề khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19.

Ngày 28/12, Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh tổ chức họp báo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2021. Ông Vũ Minh Giang, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho biết, mặc dù phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 nhưng tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành tốt “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.

Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) thu hút hơn 100 doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ảnh: VOV

Vượt qua đại dịch, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, để giúp các doanh nghiệp bắt tay nhanh vào triển khai khôi phục sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp đang gặp phải. Trong đó bám sát thực tế hoạt động của các doanh nghiệp để điều chỉnh linh loạt, giúp doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Vừa qua, Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị đối thoại với gần 200 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước. Nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được giải đáp và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Điển hình là việc cấp phép lao động và nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài, đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ thêm nguồn vaccine để tiêm cho người lao động; hỗ trợ tìm nguồn lao động; giải quyết thủ tục hành chính; tiếp cận chính sách đất đai; sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề…

“Với quan điểm sản xuất phải an toàn, mỗi doanh nghiệp là một “pháo đài chống dịch”, phát huy những thành quả chống dịch đã đạt được, duy trì chuỗi sản xuất, bên cạnh việc yêu cầu các cơ sở sản xuất tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp, nguyên tắc chống dịch và tuyệt đối không tuyển lao động thời vụ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành hướng dẫn cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động, kể cả lao động ở tỉnh ngoài theo quy trình đơn giản, vừa đáp ứng phòng chống dịch vừa sản xuất. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động, ngăn chặn nguy cơ dịch quay lại, như tiến hành tiêm vaccine phòng COVID19 cho công nhân để địa phương bảo đảm an toàn chống dịch và phục hồi kinh tế”- bà Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bắc Ninh cũng triển khai một loạt giải pháp hỗ trợ công nhân, để người lao động an tâm gắn bó với nhà máy, xí nghiệp. Cụ thể, tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất duy trì nghiêm việc tổ chức ăn 3 bữa cho công nhân tại nhà máy; thực hiện “2 địa điểm, 1 cung đường”; thành lập các “Tổ hỗ trợ công nhân”; thiết lập hệ thống quản lý, bố trí người lao động theo 3 cùng (cùng ở – cùng làm phân xưởng/tổ -cùng ăn)…

Nhằm tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” hỗ trợ doanh nghiệp (Tư vấn hiệu quả nhất; Giải quyết nhanh nhất; Chống dịch an toàn nhất). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh 3 nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất nhập khẩu

Trong năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt được mức tăng 6,9%, vượt kế hoạch đề ra (từ 4-5%). “Đây là mức tăng trưởng đứng thứ 13 cả nước và thứ 6 khu vực đồng bằng sông Hồng và là điểm sáng rất đáng mừng” – ông Khổng Văn Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Một trong những yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế ở Bắc Ninh tăng cao là lĩnh vực công nghiệp đã có sự bứt phá mạnh, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, khu vực dịch vụ chịu tác động tiêu cực nhất nên chỉ đạt mức tăng 2,12%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng ghi nhận mức tăng 3,47%. Yếu tố chủ lực thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực này là chăn nuôi lợn phục hồi, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2021 đạt gần 60 nghìn tấn, tăng 37,3% so với năm 2020. Đây là yếu tố giúp tăng trưởng ngành chăn nuôi tỉnh Bắc Ninh tăng cao nhất trong giai đoạn 2015-2021.

Về cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Ninh, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 77,3%, dịch vụ chiếm 16,07%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,7%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,9%.

Đáng chú ý, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, ước tính cả năm 2021 đạt hơn 169.000 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp bứt phá tăng trưởng cao đã tạo đà cho kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng mạnh, đạt hơn 84 tỷ USD – dẫn đầu cả nước.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ước tính đạt trên 45 tỷ USD, vượt 24% kế hoạch năm, đồng thời tăng khá cao – 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là bệ đỡ cho hoạt động xuất khẩu, đạt mức tăng 19,3%.

Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch ước đạt gần 39 tỷ USD, vượt 20,3% kế hoạch năm và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là linh kiện điện tử, điện thoại tăng 27,6%. Ngoài ra, có một số mặt hàng tăng đột biến như: thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến tăng gấp 63,1%, nguyên phụ liệu dược phẩm và dược phẩm tăng gấp hơn 2 lần, sắt thép các loại tăng gấp hơn 2,3 lần…

Công nhân Công ty SamSung kiểm tra sản phẩm, Ảnh: VOV

Duy trì trong top 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI)

Trong năm 2021, tỉnh Bắc Ninh vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến 20/12, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được 131 dự án đăng ký cấp mới, giảm 17,6% so với năm trước, nhưng tổng vốn đăng ký tăng tới 41,6%, đạt hơn 1,2 tỷ USD.

Vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 89,1% tổng vốn đầu tư. Đến cuối tháng 12/2021, tỉnh Bắc Ninh có 1.717 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 21 tỷ USD.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, chủ trương lâu dài của tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn tới là sẽ hướng đến chủ trương thu hút FDI theo hướng “2 ít, 3 cao”. Do đặc thù là địa phương có diện tích nhỏ, nhưng lại có nhiều dự án đầu tư hoạt động, nên tỉnh Bắc Ninh xác định sẽ tiếp tục thu hút đầu tư theo chủ trương “2 ít” nghĩa là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động, bởi hiện các khu công nghiệp tập trung trong tỉnh có quy mô trên 300 nghìn lao động với quy mô này số lao động địa phương chỉ đáp ứng được 25%, còn lại là lao động nhập cư. Lượng lao động nhập cư lớn sẽ tạo áp lực rất lớn cho hạ tầng của tỉnh, vì vậy tập trung những dự án sử dụng ít lao động cũng là để giảm áp lực lên hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương. “3 cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao”.

Tiếp tục bảo vệ “vùng xanh” của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

“Thực hiện chủ trương của Trung ương là thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung bảo vệ “vùng xanh của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp; cải cách thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, sửa đổi quy chế quản lý khu công nghiệp; hằng tháng giao ban với Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,… Đồng thời, Bắc Ninh triển khai các giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, với phương châm vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phục hồi, phát triển sản xuất trên địa bàn.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, công khai thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công, tạo môi trường thông thoáng, hiện đại nhằm thu hút đầu tư bền vững, có chọn lọc, có chiều sâu, có sức cạnh tranh cao, gắn với lợi thế của tỉnh, tạo sức mạnh lan tỏa gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đấu trở thành thủ phủ sản xuất đồ điện tử công nghệ cao của châu Á và thế giới, hướng tới là một trong những thành phố sáng tạo nhất châu Á, là hình mẫu cho sự phát triển nhanh và bền vững, trong khi vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh Bắc như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.”- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định.

Nhằm khắc phục những tác động tiêu cực, nghiêm trọng và sâu rộng của dịch bệnh Covid-19 đến sự phát triển, trước mắt tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, tài chính, thuế, phí, thương mại, thanh toán điện tử, thủ tục hành chính…

Ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phù hợp với các nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Qua đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương thu hút vốn FDI; tạo động lực góp phần sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Tuấn Hưng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt qua “cơn sóng” Covid-19, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu