WHO gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc tế đối với dịch Ebola

Ngọc Linh (t/h)|14/02/2020 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – WHO vừa tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp của dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo, mặc dù số trường hợp nhiễm bệnh giảm mạnh.

Ngày 12/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp của dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo, mặc dù số trường hợp nhiễm bệnh được coi là “cực kỳ tích cực” và đã điều chỉnh giảm mức độ đe dọa trong thời gian gần đây.

Tại khu vực châu Phi, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Gebreyesus khẳng định dịch bệnh Ebola phải tiếp tục đặt trong trường hợp khẩn cấp vì sức khỏe cộng đồng quốc tế, và ngay cả trong trường hợp chỉ có một trường hợp mắc bệnh Ebola ở khu vực nguy hiểm và không ổn định như phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, khả năng tồn tại dịch bệnh lớn hơn nhiều vẫn còn.

Ông Tedros hy vọng rằng tình trạng khẩn cấp này có thể được gỡ bỏ trong 3 tháng tới. Tedros cho biết chỉ có 3 trường hợp nhiễm Ebola được báo cáo trong tuần qua.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới vào tháng 7/2019 tuyên bố dịch Ebola là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”. Việc tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” đối với dịch Ebola vào năm ngoái diễn ra vài ngày sau khi một bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus Ebola ở thủ phủ tỉnh Goma – trường hợp đầu tiên tại một trung tâm đô thị lớn. Một tháng trước đó, WHO đã báo cáo lần đầu tiên dịch Ebola lây lan sang Uganda.

Virus Ebola lây truyền qua tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, dịch tiết hoặc nội tạng của người bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ chết do nhiễm virus Ebola thường cao, lên tới 90%, theo WHO.

Những nỗ lực để ngăn chặn sự bùng phát dịch Ebola hiện bị cản trở bởi các cuộc tấn công vào nhân viên y tế và xung đột ở phía đông Congo. WHO cho biết vào tháng 11/2019, họ đã chuyển 49 nhân viên ra khỏi khu vực Beni ở phía đông Congo vì không an toàn.

Dịch Ebola bùng phát vào tháng 8/2018 tại Mangina và đang hoành hành ở các khu vực Bắc Kivu và Ituri, khiến khoảng 2.300 người thiệt mạng.

Ông Tedros khẳng định nếu không có trường hợp nào ghi nhận trong 42 ngày, thì dịch bệnh sẽ kết thúc, khi đề cập đến thời gian an toàn tương ứng với 2 lần của thời gian ủ bệnh.

Người đứng đầu WHO cho biết ông sẽ đến Cộng hòa Dân chủ Congo trong ngày 13/2 để gặp Tổng thống Félix Tshisekedi và trao đổi riêng về việc tăng cường hệ thống y tế của đất nước Trung Phi này.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WHO gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc tế đối với dịch Ebola