(Moitruong.net.vn) – Mặc dù không được cấp phép xây dựng, ngang nhiên dựng xưởng sản xuất gạch, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang đê, vi phạm luật đất đai, xe quá khổ quá tải vận chuyển nguyên vật liệu đi lại tàn phá đường xá, mặc dù đã nhiều lần bị UBND xã Liên Hiệp yêu cầu tháo dỡ, ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, đến nay Hộ kinh doanh bà Vương Thị Hoa tại Khu bãi Sông Nổi, thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Tp. Hà Nội vẫn bất chấp pháp luật, tiếp tục hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, trước sự bất lực của chính quyền sở tại.
Phản ánh tới Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, hơn 1năm trở lại đây, người dân thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp vô cùng bức xúc trước công trình nhà xưởng sản xuất gạch không nung của Hộ kinh doanh bà Vương Thị Hoa tại Khu bãi Sông Nổi, thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ đang tồn tại hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhiều hộ dân sinh sống xung quanh.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Moitruong.net.vn ngày 11/10/2017 tại khu đất bãi Sông Nổi, thôn Hạ Hiệp cho thấy, hiện nay xưởng sản xuất gạch không nung của Hộ kinh doanh bà Vương Thị Hoa đang hoạt động rất nhộn nhịp trên đất nông nghiệp, sản xuất ngay sát chân đê, các xe tải nối đuôi nhau ra vào chờ bốc xếp gạch chạy rầm rập, bên trong nhà xưởng công nhân đang hối hả làm việc. Xung quanh nhà xưởng được xây tường bao kiên cố mà không hề vấp phải sự can thiệp của chính quyền xã và cơ quan liên quan của huyện Phúc Thọ. Việc xử lý công trình sai phạm trên dường như chỉ dừng lại ở mức độ đối phó.
Ông Đinh Trọng Bổng – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp trao đổi với phóng viên.
Trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn, ông Đinh Trọng Bổng – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết: “Xưởng sản xuất gạch không nung của Hộ kinh doanh bà Vương Thị Hoa bắt đầu xây dựng từ tháng 2/2016, nằm hoàn toàn trên đất nông nghiệp và không hề có giấy phép xây dựng, UBND xã Liên Hiệp đã ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng và cưỡng chế đối với công trình Hộ bà Vương Thị Hoa vì có hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng trên đất nông nghiệp. Để xảy ra công trình hoạt động sai phạm như vậy, UB xã thừa nhận trách nhiệm quản lý nhà nước của mình trên địa bàn còn yếu kém, lỏng lẻo, địa phương xin nhận trách nhiệm đối với vụ việc vi phạm của hộ bà Hoa, trong thời gian tới UB xã cũng sẽ lập danh sách một số hộ vi phạm để trình UB huyện và Thành phố để xin ý kiến về quy trình cưỡng chế đảm bảo theo đúng quy trình pháp luật, tránh ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh cũng như tổ cưỡng chế tháo dỡ công trình. Trong quý 4/2017, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý triệt để công trình sai phạm của hộ bà Hoa, nếu cơ sở chống đối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
UBND xã Liên Hiệp “bất lực”, xử phạt cho tồn tại!
Trước những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai, môi trường, Luật đê điều của hộ bà Hoa, trong năm 2016 UBND xã Liên Hiệp liên đã lập rất nhiều biên bản và ban hành 2 Quyết định xử phạt đối hộ bà Hoa.
Mặc dù đã bị UBND xã Liên Hiệp ra quyết định đình chỉ, nhưng cơ sở sản xuất gạch này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo đó, ngày 29/8/2016, UBND xã Liên Hiệp đã ban hành Quyết định số 210a/QĐ-XPVPHC đối với Bà Vương Thị Hoa vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tự ý san lấp, xây dựng nhà xưởng trên diện tích đất canh tác nông nghiệp thuộc khu bãi Sông Nổi, thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp với mức phạt 5.000.000đ, tổng diện tích vi phạm 3.943m2, biện pháp khắc phục hậu quả: Yêu cầu bà Vương Thị Hoa phải tự tháo dỡ toàn bộ tường gạch xây dựng trên đất lấn chiếm, vận chuyển ra khỏi thửa đất vi phạm và trả lại hiện trạng ban đầu như trước khi vi phạm. Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này.
Những tưởng sau khi bị xử phạt, hộ bà Hoa phải chấp hành và tự ý khắc phục những tồn tại trong Quyết định đã ban hành, nhưng Hộ bà Hoa không chấp hành tự tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm mà còn tiếp tục xây dựng với quy mô rộng lớn hơn. Nhận thấy tình hình vi phạm của bà Hoa ngày một phức tạp, luôn có thái độ chống đối.
Ngày 12/12/2016 UB xã Liên Hiệp tiếp tục ban hành quyết số 252/QĐ-XPVPHC xử phạt 2.000.000đ với tình tiết tăng nặng. Ngoài ra, UBND xã đã nhiều lần nhắc nhở, đề nghị bà Vương Thị Hoa dừng mọi hành vi vi phạm nhưng bà Vương Thị Hoa vẫn cố tình vi phạm. Cho đến thời điểm hiện tại, Quyết định xử phạt đưa ra đã được hơn một năm (từ 29/8/2016) nhưng không hiểu lý do vì sao hộ gia đình bà Hoa không chấp hành vẫn cương quyết chống đối, không chịu nộp phạt khi mà 2 quyết định xử phạt trước đó đã được ban hành, thậm chí hiện nay hộ nhà bà Hoa vẫn đang ngang nhiên sản xuất rầm rộ với quy mô lớn.
Không những ngang nhiên sản xuất gạch trên đất nông nghiệp, cở sở sản xuất gạch của bà Vương Thị Hoa còn gây ô nhiễm môi trường.
Điều thật lạ lùng, trong cả 2 quyết định xử phạt mà UB xã Liên Hiệp đã ban hành đối với hộ bà Hoa tại điều 3 có ghi “Bà Vương Thị Hoa phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành”. Quyết định xử phạt đã nêu rõ, tuy nhiên đến nay UBND xã Liên Hiệp chưa thấy thực hiện kế hoạch cưỡng chế đối với hộ bà Hoa.
Trước những sai phạm nghiêm trọng trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi, hộ bà Vương Thị Hoa có thế lực nào đứng sau “bảo kê” “tự tung tự tác”, coi thường pháp luật, ngang nhiên hoạt động trái phép trước sự “bất lực” của chính quyền xã và UB huyện Phúc Thọ?
Trách nhiệm của UBND xã Liên Hiệp, đội thanh tra xây dựng, UBND huyện Phúc Thọ và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ở đâu khi để tình trạng “xẻ thịt” đất nông nghiệp diễn ra công khai trong suốt thời gian qua trên địa bàn xã Liên Hiệp mà không có biện pháp ngăn chặn?.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, công trình của bà Hoa là một trong những công trình vi phạm nghiêm trọng lấn chiếm hành lang đê, bên cạnh đó còn nhiều công trình khác vừa mới được lãnh đạo xã bật “đèn xanh” cho xây dựng trái phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong dư luận.
Tạp chí điện tử Moitruong.net.vn sẽ thông tin tới bạn đọc trong các bài báo tiếp theo.
Nhóm PVPL