Biến đổi khí hậu

Xâm nhập mặn gia tăng ở ĐBSCL, nguy cơ thiếu nước cục bộ

Hải Đăng 25/02/2025 10:30

Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn cao điểm, dự báo kéo dài đến ngày 4/3. Dù không gay gắt như các năm cực đoan trước, nguy cơ thiếu nước cục bộ vẫn hiện hữu, đặc biệt ở những vùng chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh.

Theo ảnh hưởng của đợt triều cường đầu tháng 2 âm lịch, đợt xâm nhập mặn lần này có thể kéo dài từ nay đến ngày 4/3, tức khoảng 1 tuần.

Dự báo ranh mặn 4g/l - mức độ mặn không thể lấy được nước sản xuất và sinh hoạt sẽ vào sâu khoảng 45 - 62 km từ các cửa sông Cửu Long như sông Tiền, sông Hậu. Riêng vùng Vàm Cỏ ranh mặn 4g/l có thể vào sâu hơn, từ 65 - 70 km.

67ba6f552c0a7c0c4360e109_han_man_dbscl_high.jpg
Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn cao điểm

Từ giữa tháng 3 đến hết mùa khô năm 2025, ĐBSCL còn các đợt xâm nhập mặn vào các kỳ triều cường: từ 11/3 -15/3/2025; từ 30/3-2/4. Trường hợp nguồn nước thượng lưu về hạn chế, chiều sâu xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long ở mức tương đương như trong tháng 2/2025. Đối với vùng hai sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn có thể kéo dài sang tháng 4/2025 nếu khu vực chưa xuất hiện mưa.

Mùa khô năm 2024 - 2025 xâm nhập mặn sẽ ở mức cao hơn TBNN, nhưng không gay gắt như mùa khô các năm 2023–2024, năm 2015–2016 và năm 2019–2020. Các địa phương cần chủ động, đề phòng xâm nhập mặn tăng cao đột biến trong các kỳ triều cường.

Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 - tháng 3 (từ ngày 27/2 - 4/3, từ 10 - 15/3 và từ 29/3 - 3/4); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 - 4/2025 (từ ngày 10 - 15/3; 29/3 - 3/4; 27/4 - 1/5). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cấp 2.

Theo đánh giá của viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn mùa khô năm nay mức độ sẽ thấp hơn năm ngoái, tuy nhiên không loại trừ nguy cơ thiếu nước cục bộ ở những vùng hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện.

Để đảm bảo nguồn nước sản xuất và sinh hoạt trong thời kỳ cao điểm xâm nhập mặn, bà con nên tăng cường kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước. Với lúa đang sinh trưởng, bà con có thể sử dụng nguồn nước nhiễm mặn nhẹ dưới 2g/l, để cung cấp vừa đủ độ ẩm cho lúa; đối với rau củ tuyệt đối không lấy nước bị nhiễm mặn tưới cho rau, kể cả độ mặn dưới 1g/l, giảm số lần và lượng nước tưới mỗi lần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xâm nhập mặn gia tăng ở ĐBSCL, nguy cơ thiếu nước cục bộ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.