Dự án xây dựng bờ kè bảo vệ phố cổ Hội An (Quảng Nam) trước tác động của thiên tai, kéo dài từ Chùa Cầu (phường Minh An) đến cầu Cẩm Nam (phường Cẩm Nam) triển khai từ năm 2017, với tổng vốn đầu tư trên 85 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư-xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Hội An.
>>>Hòn Đảo Đông thuộc quần đảo thiên đường Hawaiibị siêu bão Walaka xối sạch
Thi công phần móng kè chống sạt lở bờ sông gây nguy hại đến phố cổ. (Ảnh: Hữu Trung/TTXVN)
Công trình nằm trong danh mục dự án ưu tiên thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài việc bảo vệ phố cổ trước nguy cơ sạt lở, công trình còn kết hợp nạo vét lòng sông, tạo cảnh quan môi trường sinh thái thân thiện cho phố cổ Hội An.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, do chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ từ phía thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn và triều cường nên hàng năm, phố cổ Hội An thường xuyên đối mặt với nguy cơ, hiểm họa bất thường do thời tiết gây ra.
Tình trạng ngập úng và sạt lở đất liền do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng tăng cả về tần suất lẫn cường độ đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc đô thị cổ. Do đó, công trình kè bảo vệ phố cổ Hội An bao gồm hai tuyến kè, có tổng chiều dài gần 1,3km, kết cấu bằng bêtông cốt thép đóng sâu xuống lòng sông, vừa đảm bảo mục tiêu phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn cho các công trình kiến trúc cổ, tài sản nhân dân vừa đảm bảo tiêu chí không làm “bêtông hóa” không gian phố cổ đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết để bảo vệ phố cổ Hội An trước tình trạng sạt lở đất ven sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trước khi có dự án kè kiên cố, thành phố Hội An đã triển khai khẩn cấp biện pháp đóng cọc, làm kè tạm nhằm ngăn chặn xói lở.
Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, không đảm bảo an toàn đối với sự nguyên vẹn của hàng trăm ngôi nhà cổ nằm bên trong tuyến kè. Vì vậy, công trình kè bảo vệ phố cổ Hội An từ cầu Cẩm Nam đến Chùa Cầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án ưu tiên thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu có vai trò hết sức quan trọng không những đối với công tác phòng chống lũ lụt, bảo đảm an toàn cho các công trình kiến trúc cổ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường cảnh quan, mà còn góp phần giữ gìn và nâng tầm giá trị di sản văn hóa phố cổ.
Trực tiếp chỉ huy thi công công trình, ông Trần Đình Danh (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Hội An) cho hay hiện nay các phần việc cơ bản của tuyến kè chống sạt lở bờ sông nhằm bảo vệ phố cổ Hội An đã hoàn thành.
Đơn vị thi công đang cố gắng đôn đốc để công trình hoàn thành trước tiến độ và được đưa vào sử dụng trước mùa mưa năm nay.
Công trình hoàn thành sẽ ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sạt lở bờ sông trong lòng phố cổ Hội An; đồng thời, góp phần tạo cảnh quan chung trong đô thị cổ, ổn định cuộc sống của người dân địa phương, tạo điều kiện phát triển du lịch bền vững và thân thiện, nhất là du lịch trên sông và tham quan phố cổ.
Đoàn Hữu Trung/ Vietnamplus